Ngày 5-6, ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai - cho biết các phòng chức năng của huyện đang phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (Công ty Cao Nguyên 1) kiểm đếm tài sản để lên phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Điện gió Ia Le 1.
Theo ông Nguyễn Minh Tứ, sau khi kiểm đếm tài sản, Công ty Cao Nguyên 1 sẽ thỏa thuận với người dân, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ. Chính quyền địa phương có trách nhiệm trong việc đôn đốc, hỗ trợ kiểm đếm tài sản trên thực tế.
Trước đó, ngày 25-5, Công ty Cao Nguyên 1 thông báo kế hoạch chạy thử nghiệm 14/28 trụ gió còn lại của Nhà máy Điện gió Ia Le 1 từ ngày 27-5 đến 10-6. Ngay sau đó, UBND huyện Chư Pưh đã có văn bản đề nghị Công ty Cao Nguyên 1 tạm ngừng vận hành chạy thử nghiệm cho đến khi giải quyết xong vấn đề bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản nằm trong hành lang an toàn trụ điện gió của người dân.
Gia đình 5 người của bà Phạm Thị Hòa, xã Ia Le sống cách trụ điện gió chỉ vài chục mét
Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết đã yêu cầu công ty phối hợp với UBND huyện Chư Pưh tuyên truyền, vận động để được sự đồng thuận của người dân trước khi vận hành thử nghiệm. Chỉ tiến hành thử nghiệm khi có sự thống nhất của UBND huyện Chư Pưh.
Tuy nhiên, phớt lờ yêu cầu của chính quyền địa phương, Nhà máy Điện gió Ia Le 1 vẫn cho chạy thử nghiệm các trụ điện gió, bắt đầu từ chiều 30-5.
Đến sáng 31-5, khi lực lượng chức năng huyện Chư Pưh yêu cầu tạm dừng, phía công ty cho biết vẫn sẽ tiếp tục cho chạy thử nghiệm theo văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Khi thấy các trụ gió hoạt động, chiều 31-5, nhiều hộ dân xã Ia Le tiếp tục kéo lên trụ sở Ban Tiếp công dân huyện Chư Pưh kiến nghị yêu cầu giải quyết xong vấn đề bồi thường, hỗ trợ mới được vận hành các trụ gió.
Ngay sau đó, UBND huyện có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương đề nghị có văn bản yêu cầu Công ty Cao Nguyên 1 chấp hành yêu cầu của địa phương.
Dự án điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW, vốn đầu tư trên 4.000 tỉ đồng. Từ khi triển khai năm 2020, dự án đã vấp phải khiếu nại của người dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ tài sản bị ảnh hưởng ở các trụ điện gió. Tuy vậy, Bộ Công Thương chỉ quy định về hành lang an toàn cột tháp gió 300 m, không quy định về mức hỗ trợ, bồi thường.
Bình luận (0)