Phát biểu tại thảo luận tổ ngày 14-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1-2 lần.
Đánh giá hiệu quả qua sản phẩm
Trao đổi rõ hơn về đề xuất này, chiều 15-11, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho biết bên cạnh cơ chế đặc thù, TP HCM phải xây dựng là một TP thông minh. Thời đại công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể thực hiện cơ chế cho người lao động ít phải đến công sở làm việc hơn. Với một số nghề, lĩnh vực, công việc, CB-CC-VC không nhất thiết phải đến cơ quan, như làm dự án, phần mềm, quản trị website, nghiên cứu…. Họ hoàn toàn có thể hoàn thành công việc thông qua hệ thống máy tính có nối mạng internet.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất thí điểm cho CB-CC-VC một số lĩnh vực làm việc tại nhà Ảnh: Văn Duẩn
Trên thực tế, nếu áp dụng việc này, người lao động sẽ bớt công sức, thời gian di chuyển, hạn chế chi phí văn phòng. "Với văn hóa của chúng ta, nhiều khi đến cơ quan, người vào người ra, phải tiếp chuyện, ảnh hưởng đến công việc. Làm việc ở nhà với không gian tĩnh, họ có thể giải quyết được nhiều công việc hơn" - ông Hiểu nhận xét. Theo ông, mô hình này đã được áp dụng ở một số lĩnh vực tại nhiều nước trên thế giới.
Về tính khả thi, ông Hiểu cho rằng nên thí điểm, bởi công nghệ thông tin đã hội nhập, còn công việc thì cơ bản các nước đều giống nhau. "Hiệu quả công việc căn cứ vào sản phẩm đầu ra được giao" - ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cho rằng đừng quan niệm tự do như vậy thì sẽ không tuân thủ kỷ luật lao động. Bởi lẽ, thực tế hiệu quả công việc là quan trọng nhất. Đừng quan niệm kỷ luật lao động theo kiểu xưa cũ; nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ đổi mới được.
"Ngay cả những tài xế Uber, Grab, công ty cũng chỉ quản lý bằng công nghệ chứ không quản lý như taxi truyền thống. Họ vẫn kiểm soát được về hiệu quả công việc, thông qua doanh thu. Thậm chí, thái độ ứng xử của những tài xế Uber, Grab còn văn minh hơn rất nhiều so với việc kêu gào quản lý qua tổng đài bộ đàm" - ông Hiểu dẫn chứng.
Khó lắm, không đơn giản!
Trong khi đó, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng - Bộ Nội vụ, cho rằng xu hướng trên phù hợp với thời đại công nghệ thông tin nhưng chỉ áp dụng được với đội ngũ CB-CC-VC có phẩm chất, có tinh thần trách nhiệm, tính tự giác cao; kèm theo đó hệ thống máy móc phải được trang bị đầy đủ.
"Đối chiếu với đội ngũ CB-CC-VC ở Việt Nam hiện nay, đề xuất này chưa khả thi. Trên thực tế, CB-CC-VC Việt Nam còn theo kiểu chấm công ăn lương. Chưa kể, nhiều người còn "ăn cắp" giờ công, trốn việc đi chơi, làm chuyện riêng mà cho làm ở nhà nữa chẳng khác nào "thả hổ về rừng". Ngoài ra, lương phải đủ sống để không tranh thủ làm việc khác" - ông Sơn nêu ý kiến.
Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, đề xuất trên chỉ mới đối với Việt Nam, còn đối với nước ngoài thì không có gì lạ. Theo đánh giá của Nhật, làm việc tại nhà năng suất gấp đôi làm việc ở cơ quan. Vì sao họ làm được? Bởi họ có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, quản lý được nhân viên.
"Chúng ta mà cho CB-CC-VC làm việc tại nhà thì không biết quản lý sao bởi chúng ta quản lý theo giờ giấc, bằng cấp... và còn làm việc thủ công, giấy tờ. Nói đâu xa, giờ liên thông điện tử còn chưa xong, nộp hồ sơ qua mạng còn khó…, huống hồ gì quản lý con người qua công nghệ. Việc này khó chứ không đơn giản. Nếu muốn làm thì phải tùy điều kiện của từng cơ quan, đơn vị và tùy tính chất từng công việc. Công nghệ phải kiểm soát được sản phẩm đầu ra mang tính định lượng. Một số lĩnh vực có thể áp dụng được như nghiên cứu khoa học, đề tài, đề án hay tham mưu một vấn đề gì... Thay vì vô cơ quan, ra đường làm kẹt xe, đến cơ quan mở máy lạnh, điện tốn kém thì làm ở nhà. Ví như ở cơ quan làm 1 ngày xong thì làm ở nhà cũng phải 1 ngày xong hoặc ít hơn chứ không được vượt hơn. Tất nhiên, những đầu việc đó phải quy định thời gian hoàn thành cụ thể" - ông Trung lưu ý.
Các ý kiến khác lo lắng về việc tiêu cực của CB-CC-VC khi giải quyết công việc cho dân ở nhà. Ngoài ra, nhiều công việc không được phép đưa tài liệu, hồ sơ về nhà riêng. Vì vậy, đề xuất của đại biểu Ngọ Duy Hiểu chỉ có thể thí điểm với một ít lĩnh vực, song không dễ.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Làm việc tại nhà, không cần vào cơ quan - ý tưởng này đã được một số nước áp dụng nhưng ở Việt Nam thì không dễ làm. Theo bạn, đề xuất này liệu có khả thi, nhất là trong thời điểm hiện nay? Cần có giải pháp gì để quản lý công việc hiệu quả nếu cho phép CB-CC-VC một số lĩnh vực được làm việc tại nhà?
Ý kiến tham gia diễn đàn, xin gửi về địa chỉ: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)