Hiện nay, với 26.000 chủ phòng máy đang cài đặt phần mềm trên, bên thắng kiện sẽ có cơ hội sở hữu thị phần trong lĩnh vực quản lý phòng máy, được ước đoán có doanh thu lên đến hàng triệu USD mỗi năm.
Bị tố vi phạm bản quyền
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội, cho biết TAND TP đã thụ lý vụ án này vào ngày 10-10. Theo đó, Công ty Shunwang (nguyên đơn) yêu cầu Công ty CP Tin học Hòa Bình (Công ty Hòa Bình - bị đơn) chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và xin lỗi, cải chính công khai.
Cùng với đơn khởi kiện, phía nguyên đơn đã cung cấp các tài liệu như giấy chứng nhận đăng ký phần mềm này tại Ban Kinh tế và Thông tin văn hóa tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc vào năm 2013 và trước đó đã đăng ký tại Cục Bản quyền quốc gia nước sở tại vào năm 2011. Nguyên đơn cũng có đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT Việt Nam (đăng ký nhãn hiệu iCafe) và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào ngày 28-3-2012.
Tại buổi tiếp đầu tiên vào ngày 6-11 ở tòa, đại diện Công ty Shunwang cho rằng từ tháng 8-2015, qua kiểm tra, theo dõi các phòng máy, họ phát hiện phần mềm mà Công ty Hòa Bình sử dụng để cài đặt cho khách hàng thể hiện mã nguồn và giao diện tương tự phần mềm iCafe Mavin. Trong phần mềm của bị đơn còn lưu giữ chữ ký số của công ty bên nguyên đơn.
Ngược lại, Công ty Hòa Bình cho rằng họ sử dụng Gcafe không liên quan đến nguyên đơn. Công ty Hòa Bình cũng đưa ra chứng cứ là phần mềm Gcafe đã được đăng ký bản quyền và được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận ngày 3-6-2011. Sau đó, logo Gcafe cũng đã được Cục Bản quyền tác giả cấp chứng nhận (tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) vào ngày 20-8-2015. Ngày 10-11, Công ty Hòa Bình đã có đơn đề nghị TAND TP Hà Nội xin phép cho gia hạn thời điểm nộp ý kiến chính thức về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để kiểm tra lại. Thời gian gia hạn là 15 ngày.
Trong thông cáo báo chí gần đây, Công ty Hòa Bình khẳng định chương trình phần mềm máy tính Gcafe Professional (Gcafe) là do công ty này phát triển, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của đơn vị theo giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 1486/2011/QTG do Cục Bản quyền tác giả cấp ngày 10-5-2011. Qua tra cứu thông tin quyền tác giả trên website của Cục Bản quyền tác giả, giấy chứng nhận số 1486 cấp ngày 10-5-2011 chính là giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với chương trình máy tính Gcafe Professional được Cục Bản quyền tác giả cấp ngày 3-6-2011.
Mới đây, phóng viên đã liên lạc với ông Mai Thanh Bình, Giám đốc Công ty Hòa Bình, để tìm hiểu vụ việc. Ông Bình cho biết đang ở nước ngoài và cung cấp số điện thoại của một người tên Quang đang ở Việt Nam sẽ trả lời vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Quang nhưng người này không bắt máy và cuộc gọi đều bị chuyển hướng sang số máy khác, không liên lạc được.
Nhiều phòng game “chết máy”
Theo phản ánh của một số chủ phòng máy, từ khi xảy ra tranh chấp, phần mềm Gcafe đột ngột xảy ra rất nhiều lỗi, gây đứng máy, lag game (không điều khiển), doanh thu sụt giảm.
Anh N.K.Q.Q (chủ một phòng game ở quận Bình Tân, TP HCM) cho biết: “Phần mềm bắt đầu bị lỗi từ giữa tháng 10-2015 và sau đó ngày càng nặng. Đỉnh điểm là vào ngày 22-10, đồng loạt 34 máy tính “chết cứng”, không đăng nhập game được”.
“Lợi thế của phần mềm Gcafe là game thủ được tặng nhiều quà khi chơi như x2 IP trong game “Liên minh huyền thoại” hay tính năng VIP trong “Fifa online 3”. Trước đây, mỗi ngày doanh thu trung bình của tiệm tôi cũng được 700.000 - 800.000 đồng. Từ ngày xảy ra lỗi, doanh thu chỉ còn một nửa” - anh T.N.Q.M (chủ phòng game ở quận 8, TP HCM) than phiền.
Trong khi đó, gần đây, trên các mạng xã hội, diễn đàn game…, các chủ phòng game phản ánh từ khoảng giữa cuối tháng 8-2015, nhân viên kỹ thuật của Công ty Hòa Bình đã bắt đầu cho triển khai một phần mềm lạ thay cho phần mềm Gcafe trên các phòng máy với tên gọi CyberViet Boot, sau đó là Gcafe Boot. Phần mềm này liên tục gây lag game, đứng máy.
Cần giám định phần mềm
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng SHTT - Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho rằng với quy định của Luật SHTT, để biết rõ chủ thực sự của phần mềm cần dựa vào các chứng cứ xác định thời gian mà đơn vị đó phát triển. Chữ ký số trên sản phẩm cũng là dữ liệu quan trọng xác định chủ sở hữu. Trong trường hợp này, cần có cơ quan chức năng giám định cả 2 phần mềm để xác định có yếu tố giống nhau hay bị đánh cắp. Chứng nhận quyền tác giả đối với tác phẩm nghệ thuật do Cục Bản quyền tác giả phát hành không thể chứng minh quyền sở hữu phần mềm hay sản phẩm. Một đơn vị bất kỳ có quyền vẽ ra một logo khác để gắn lên sản phẩm cụ thể, miễn là logo đó không giống với bất kỳ logo nào đã đăng ký.
Bình luận (0)