TS Hoàng Kim Oanh, Nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn:
Quá nhiều bài học... tiếp tay cho cái ác
GS Lưu Đức Trung đã từng nhận định: “Cái gốc vấn đề vẫn là giáo dục nhưng không phải giáo dục chung chung. Phải xây dựng một nền giáo dục căn cơ từ gia đình - nhà trường - xã hội…” .
Trong quá trình giảng dạy trước đây và hiện nay, chúng tôi đã rất băn khoăn về ngữ liệu trong sách giáo khoa tiểu học ở một số tác phẩm văn học nước ngoài rất ít tính giáo dục. Ví dụ truyện dân gian Thuần phục sư tử (Tiếng Việt 5) kể về nàng Ha-li-ma xinh đẹp nhưng bị chồng hắt hủi. Nàng đau khổ tìm đến vị giáo sĩ xin ban cho nàng bí quyết để lấy lại tình thương của chồng. Điều kiện của vị giáo sĩ già là phải mang đến cho ông ta “ba sợi lông bờm của một con sư tử sống”. Nàng tìm kế làm quen với con sư tử bằng cách mỗi ngày cho nó ăn thịt 1 con cừu non, sau đó mới lấy được 3 sợi lông bờm.
Trẻ thơ và loài vật có quan hệ tình cảm đặc biệt. Các cháu nhỏ học được gì từ câu chuyện trên. Người ta có thể làm bất cứ việc ác độc, tàn nhẫn gì… miễn đạt mục đích!?
Còn truyện Cô hầu gái thông minh (Truyện đọc 5) có đoạn cô hầu gái nấu dầu sôi rồi đổ vào 37 thùng dầu mà các tên cướp đang nấp để giết chúng. Sau đó, khi tên tướng cướp đến, cô đâm ngay vào ngực hắn… Giết người - dù là kẻ cướp - chẳng những như chuyện tất yếu mà còn… đáng khen ngợi (?).
Trong thực tế, còn biết bao câu chuyện cổ tích hấp dẫn, đậm chất nhân văn rất cần được phổ biến cho các cháu. Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên câu chuyện được học từ gần 50 năm trước: Người đi săn và con vượn của Lev Tolstoi. Tình mẫu tử cảm động khi vượn mẹ bị trúng tên biết mình sắp chết đã hái chiếc lá, vắt hết bầu sữa của mình để lại cho con. Đứa trẻ là tôi khi ấy đã rưng rưng và chỉ nguôi giận khi bác thợ săn bẻ gãy cung tên thề không bao giờ giết hại loài vật nữa…
Xin cứu vớt tâm hồn các em ngay từ những bài học yêu thương đầu đời này. Đừng để giáo dục vô tình tiếp tay cho cái ác.
TS Hà Thanh Vân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ:
Hậu quả của nhậu quá đà
Hơn 6.000 ca nhập viện vì đánh nhau ngày Tết là một con số dễ khiến nhiều người giật mình. Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân đầu tiên là do “văn hóa nhậu”. Khi nhậu thì xảy ra cãi vã, lời ra tiếng vào, mọi người không kiềm chế được bản thân mình và đánh nhau là phương cách người ta dùng để giải tỏa cơn giận dữ.
Tâm lý truyền thống ngày Tết phải có chén rượu mới vui đã khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái say xỉn và không kiềm chế được hành vi của mình. Vì vậy, uống sao cho vừa đủ vui mà không quá trớn là điều cần phải đặt ra cho hành vi của mỗi con người. Điều này lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa. Đa số các ca đánh nhau phải nhập viện là ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh. Ở đó, ngày Tết ít có những sinh hoạt vui chơi mang tính tinh thần lành mạnh và rượu là cách giải trí phổ biến nhất để giết thời gian.
Giải quyết triệt để vấn đề này là việc làm rất khó khăn. Có lẽ những cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở phố phường, làng xã, xây dựng gia đình văn hóa nếu được đẩy mạnh triệt để cùng với sự lên tiếng của các phương tiện truyền thông về tác hại của rượu thì có lẽ sẽ góp phần nào giảm đi những vụ đánh nhau như trên.
ThS Bùi Việt Thành, Giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM:
Kiểm soát xã hội bị xem nhẹ
Đánh nhau là “hành vi lệch lạc” - một khái niệm xã hội học nói về sự vi phạm có nhận thức các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng của một nhóm người hay của xã hội. Đánh nhau là sự vi phạm các quy phạm được ban hành chính thức thành luật pháp.
Nhìn chung, việc đánh nhau mang lại cảm giác chung là sự lệch lạc gây tổn thương, thậm chí tước đoạt sinh mạng của người khác... Trong tất cả các xã hội, hành vi lệch lạc trên thường xảy ra. Nhưng hơn 6.000 trường hợp nhập viện do đánh nhau trong những ngày Tết vừa qua lại là không bình thường bởi đây là những ngày trọng đại của gia đình, dòng tộc, ngày bỏ qua những khúc mắc, hận thù cá nhân để đón năm mới. Nguyên nhân chính là do các biện pháp giáo dục và kiểm soát xã hội đang bị xem nhẹ, tạo nên những hành vi lệch lạc, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Bình luận (0)