Trẻ em rất cần tình cảm, tình yêu thương của người lớn nhưng ngược lại với mong đợi này, một số người thân lại ngược đãi, xua đuổi hoặc dùng từ ngữ làm tổn thương tình cảm, tâm lý trẻ em.
Ảnh hưởng từ lâu đời
Tôi cho rằng không phải bây giờ mới rộ lên bạo hành trẻ em mà tình trạng này có từ lâu đời trong xã hội Việt Nam. Người ta thường quan niệm "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", phải đánh mới là thương nên nó là cội nguồn, là gốc rễ bám chặt vào tiềm thức của người lớn. Đó là nguyên nhân, hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội hiện tại.
Chính vì vậy, khi trẻ bị bạo hành thì cộng đồng, hàng xóm làm thinh, trẻ đau đớn kêu la cầu cứu thì không ai can thiệp. Nếu có báo chính quyền thì họ cũng cho rằng cha mẹ dạy con là chuyện gia đình nên không vào cuộc rốt ráo. Hồi tôi còn công tác ở Hà Nội, có trường hợp một bé trai bị cha mẹ cởi quần áo, cột tay dẫn đi khắp phố nhưng người ta chỉ đứng xem, không dám can thiệp. Tôi nghĩ bé trai này sẽ không bao giờ quên nỗi xấu hổ, nhục nhã ấy.
Người ta nói gia đình là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người nhưng thực tế, gia đình liệu có an toàn cho trẻ hay không khi rất nhiều vụ án mà nạn nhân là những đứa trẻ vô tội? Trường học là nơi giáo dục, dạy trẻ điều hay lẽ phải nhưng cô giáo lên lớp câm nín nhiều tháng liền thì đó là một hình thức tra tấn chứ đâu phải là môi trường giáo dục?
Vết thương khắp cơ thể em N.H.P (Trà Vinh) do bị cha dượng bạo hành. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Mỗi người dân phải được tiếp cận Luật Trẻ em
Nguyên nhân và thực trạng là thế, vậy phòng như thế nào, làm thế nào bảo vệ trẻ em? Tôi nghĩ điều quan trọng hơn hết là bảo vệ trẻ em bằng pháp luật. Nhưng làm sao để luật đi vào đời sống xã hội, mọi người dân hiểu được đánh trẻ em là phạm pháp?
Thời gian qua, tin tức về bạo hành trẻ em xuất hiện dày đặc, mạng xã hội liên tục cập nhật các vụ bạo hành, ở một góc độ tích cực có thể hiểu người dân đã bắt đầu có ý thức khi mạnh dạn tố cáo, lên tiếng và một số nơi chính quyền đã ý thức trách nhiệm của mình.
Nếu người lớn ý thức được rằng những hành vi này là ngược đãi, là xâm phạm quyền và vi phạm Luật Trẻ em thì họ sẽ can thiệp. Hiện tại, theo Luật Trẻ em thì trẻ em có 25 nhóm quyền và 5 bổn phận nhưng không phải ai cũng biết, ai cũng hiểu và nhận thức về luật này.
Ở một số nước, khi vào lớp học, thầy cô dặn trẻ nếu cha mẹ đánh thì báo cảnh sát và trẻ có số điện thoại của cảnh sát. Nếu cha mẹ đánh trẻ thì sẽ bị tước quyền làm cha mẹ, tách trẻ khỏi gia đình. Ở Việt Nam, tôi chỉ mơ ước mọi người dân đều được tiếp cận Luật Trẻ em và trẻ em hiểu được chúng cần làm gì để tự bảo vệ mình. Để làm được điều này, cha mẹ, thầy cô phải dạy trẻ có bổn phận như thế nào, có quyền gì.
Tôi không so sánh nước ta với nước khác vì mỗi nước có nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ý thức khi thấy trẻ không an toàn thì mạnh dạn tước quyền làm cha mẹ, cách ly gia đình, đưa trẻ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần có hình thức xử phạt, răn đe những cha mẹ có hành vi bạo hành trẻ em. Ngoài ra, cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng, phổ biến đường dây nóng cần thiết để trẻ cung cấp thông tin.
Lập mạng lưới bảo vệ quyền trẻ em
Hiện tại, với cương vị phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phụ trách phía Nam, chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân và nhà báo bảo vệ quyền trẻ em. Đồng thời còn có chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em để kịp thời can thiệp những vấn đề nóng, bức xúc liên quan đến trẻ.
Tất cả những ý kiến của gia đình, trẻ em và cộng đồng đều có tổ tư vấn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chúng tôi cũng trực tiếp tiếp cận đối tượng, nạn nhân để có hình thức bảo vệ cho các cháu. Để kịp thời phát hiện những trường hợp bạo hành trẻ em, chúng tôi đã thành lập mạng lưới bảo vệ quyền trẻ em để thu thập thông tin, kiến nghị nhà nước và Quốc hội.
Bình luận (0)