xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống mãi vẫn ngập

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Sau khi một số công trình nâng đường chống ngập hoàn thành, nhà nhiều người dân trở thành... hầm chứa nước

Công trình sửa chữa, nâng cấp chống ngập, bảo đảm giao thông, chỉnh trang đường Nguyễn Quý Yêm (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) khởi công vào ngày 20-7 và dự kiến hoàn thành vào ngày 20-1-2016. Trong những cơn mưa vừa qua, hàng chục căn nhà ở tuyến đường này bị ngập nặng hơn lúc công trình trên chưa thi công.

“Mong người dân thông cảm”

Mưa đã qua nhiều ngày nhưng hẻm số 9 Nguyễn Quý Yêm vẫn còn ngập khoảng 20 cm, nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Đi sâu vào một số hẻm nhánh đã được bê-tông hóa, nước vẫn ngập do bí lối thoát.

Ông Huỳnh Hữu Thanh (ngụ số nhà 9/11/1 Nguyễn Quý Yêm) ngao ngán: “Từ lúc làm đường, đơn vị thi công bít cống cũ, nước mưa không có lối thoát, dồn ứ lại trong hẻm, muỗi sinh sôi nhiều”. Lúc xây dựng cách nay hơn 10 năm, nhà ông Thanh cao hơn mặt đường gần nửa mét nhưng đến nay sau nhiều lần “nâng đường buộc nâng nền” thì nhà ông đã thấp hơn mặt đường 30 cm. Mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn vì ngập nước. Chỉ hiên nhà là còn khô ráo vì đã được nâng cao hơn mặt đường. Đây cũng là nơi mọi người trong nhà tập trung sinh hoạt mỗi khi mùa mưa về.

Cạnh đó, nhà ông Trần Văn Minh thấp hơn mặt đường gần nửa mét nên mùa này cả nhà suốt ngày phải bì bõm trong nước ngập. “Mấy hôm trước mưa lớn, nước tràn vào, cả nhà phải thức đêm tát nước ra. Vài bữa nâng đường lên thì không biết phải sống ra sao trong khi tôi đã cạn tiền, không thể nâng nền” - ông Minh lo lắng. Hàng loạt nhà dọc tuyến đường này cũng đang biến thành những căn hầm khi đường cứ được nâng chống ngập.

 

Mưa đã qua nhiều ngày nhưng hẻm số 9 Nguyễn Quý Yêm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM vẫn còn bị ngập
Mưa đã qua nhiều ngày nhưng hẻm số 9 Nguyễn Quý Yêm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM vẫn còn bị ngập

 

Còn ở đường Khiếu Năng Tĩnh (phường An Lạc, quận Bình Tân) sau khi nâng lên thì không còn ngập mà chỉ còn cảnh người dân... bắc thang để vào nhà.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Nghị - chỉ huy trưởng công trình sửa chữa, nâng cấp chống ngập, bảo đảm giao thông, chỉnh trang đường Nguyễn Quý Yêm - giải thích: Theo thiết kế, cao độ của tuyến đường chỗ cao nhất được nâng khoảng 1,3 m, trong đó cống thoát nước nâng 70 cm và lớp cát đá, bê-tông nhựa dày 50-60 cm. “Những ngày mưa lớn, chúng tôi dùng máy bơm hút nước ở các hẻm ra ngoài nhưng không xuể, mong người dân thông cảm” - ông Nghị phân trần.

1.001 lý do

Theo UBND quận Bình Tân, mưa trong tuần qua với lượng mưa trên 80 mm, nhiều đợt kéo dài liên tục hơn 3 giờ kết hợp triều cường đã làm ngập tại 4 lưu vực thoát nước và 6 trục đường chính. Trong đó, nặng nhất là lưu vực kênh Liên xã - rạch Ông Búp, trục đường An Dương Vương và Kinh Dương Vương ngập sâu trung bình 0,5-0,8 m, gây kẹt xe nghiêm trọng. Mưa cũng gây ngập nhiều khu dân cư ở các phường An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Trị Đông B.

Ông Lê Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: “Các lưu vực bị ngập do kênh nhỏ, cống không bảo đảm khả năng tiêu thoát nước. Còn các trục đường chính bị ngập do đường thấp, hệ thống cống bé, xuống cấp; một số tuyến đường như Kinh Dương Vương, Trần Đại Nghĩa, Tỉnh lộ 10, An Dương Vương... chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã làm thu hẹp và mất dần các nơi chứa nước tự nhiên như ao hồ; tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm kênh rạch làm thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy và quá trình bê-tông hóa đã làm giảm diện tích thấm nước. Ngoài ra, một số tuyến đường có cao trình mặt đường thấp hơn đỉnh triều 1,68 m và các khu dân cư có địa hình thấp nên bị ngập”.

“Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cống điều tiết, kết hợp với âu thuyền tại cầu Nước Lên để kiểm soát nước triều” - ông Thinh kiến nghị.

Đối với việc triển khai các dự án chống ngập chậm trễ, đại diện Trung tâm Chống ngập thừa nhận: Do thiếu vốn. Cụ thể, dự án chống ngập đường An Dương Vương còn nợ các nhà thầu đợt 1 là 165 tỉ đồng, cần ghi vốn 182 tỉ đồng để triển khai đợt 2; đường An Dương Vương còn nợ 25 tỉ đồng, cần ghi vốn thêm 18 tỉ đồng để làm tiếp. Việc vớt lục bình trên kênh Tham Lương - Bến Cát gặp khó khăn vì kênh này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hiện còn 285 hộ dân chưa được đền bù. Một số gói thầu vướng các công trình của ngành điện lực chưa được ngầm hóa nên chưa thể nâng đường...

 

Chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao

Tại buổi tái giám sát về tình hình chống ngập ở quận Bình Tân sáng 24-9, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, nhận định quận Bình Tân và Trung tâm chống ngập đã triển khai nhiều dự án chống ngập nhưng tiến độ còn chậm và hiệu quả chưa cao. Môi trường sống của người dân ở các tuyến kênh rạch đang bị ảnh hưởng do nước ngập không tiêu thoát trở thành ổ dịch bệnh.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo