Trung tâm Chống ngập TP HCM vừa đề xuất UBND TP cho triển khai thực hiện dự án chống ngập bằng xe bơm hút nước di động với kinh phí khoảng 1.400 tỉ đồng. Theo tôi, giải pháp này lãng phí và hoàn toàn không có tính khả thi.
5 lý do không nên dùng xe bơm hút nước
Thứ nhất, xe bơm đồ sộ cùng với những ống dẫn đường kính lên đến cả mét, khi đậu lâu dài ở một khu vực nào đó có thể gây tắc đường.
Thứ 2, nếu xe bơm sử dụng bơm điện thì không thể tùy tiện câu điện ở bất cứ nơi đâu vì công suất tiêu thụ rất lớn; còn sử dụng bơm diesel thì quá cồng kềnh, ồn ào, ô nhiễm khói thải và chi phí vận hành cao.
Thứ 3, nếu chỉ bơm nước ra sông rạch mà không tính đến phương án gia cố bờ kè, đóng các cửa cống lại thì khi bơm ra, nước sông dâng lên lại tràn ngược vào các khu dân cư.
Thứ 4, những máy bơm công suất lớn giội nước xuống dòng sông sẽ gây ra những chấn động cơ học rất lớn, có thể làm sạt lở bờ sông, bờ kè, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông đường thủy.
Thứ 5, chi phí rất tốn kém mà thời gian sử dụng lại ít, hậu quả có thể thấy trước còn hiệu quả thì chưa có gì bảo đảm sẽ thành công.
Lâu nay, chúng ta có thói quen sử dụng các trạm bơm ly tâm để bơm nước, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cao. Các bơm ly tâm có hiệu suất sử dụng điện thấp vì trong quá trình bơm, người ta phải ngăn dòng nước lại, hút lên cao rồi sau đó mới xả ra phía trước nên dòng chảy bị chuyển hướng nhiều lần, làm mất động năng tự nhiên của nó.
Nên sử dụng bơm đẩy kiểu trục vít
Tôi đề xuất một phương án chống ngập sử dụng bơm đẩy kiểu trục vít như sau:
Với sơ đồ kèm theo, bơm trục vít được chế tạo thành một block, được định vị ngay trong lòng cống, đặt ngay cửa cống thoát nước ra sông rạch hay ở hố ga tại nơi nước lưu thông chậm cần phải đẩy cho chảy nhanh hơn. Các máy bơm này nên được thiết kế với các kích cỡ khác nhau cho phù hợp với tiêu chuẩn của những cửa cống thoát nước hoặc hố ga.
Ở sơ đồ này, khi không vận hành bơm thì mở cánh phai cống lên cho nước thoát tự do ra sông rạch theo cả hướng A và hướng B. Khi vận hành bơm để chống ngập hoặc ngăn triều cường thì cho đóng cánh phai xuống và đóng điện cho bơm chạy, lúc này trục vít sẽ quay và đẩy nước thoát ra sông rạch theo hướng A.
Các máy bơm kiểu này không tốn nhiều diện tích để xây trạm, vận hành lại đơn giản, chi phí vận hành và bảo trì, bảo dưỡng thấp. Máy bơm trục vít kiểu này có hiệu suất sử dụng điện không cao vì hầu như không làm đổi hướng của dòng chảy, không làm mất động năng tự nhiên của nó. Cốt đặt bơm bằng với cốt của cống thoát nước nên không phải tốn công để đưa dòng nước lên cao như các bơm ly tâm.
Có thể lắp sẵn các pa lăng xích để nhấc bơm ra khỏi lòng cống khi cần sửa chữa hoặc vào mùa khô không có nhu cầu sử dụng. Khi vận hành, các máy bơm này vừa đẩy nước ra vừa ngăn, không cho nước tràn ngược trở vào.
Trạm bơm kiểu này chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với xe bơm ly tâm di động vì kích thước gọn nhẹ, không cần ống hút, ống xả, khi khởi động cũng không cần nước mồi. Các máy bơm này có cấu tạo đơn giản, doanh nghiệp trong nước chế tạo được nên giá thành sẽ thấp.
Bình luận (0)