xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chống ngập đường Kinh Dương Vương: Vẫn còn ngổn ngang

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phê bình quận Bình Tân và Trung tâm Chống ngập chưa làm tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến người dân, thi công tắc trách, triển khai không đồng bộ…

Sáng 8-6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đã thị sát công trình chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, đồng thời làm việc với các sở, ngành và UBND quận Bình Tân về công tác chống ngập trên địa bàn, giải quyết bức xúc của người dân về việc nâng tuyến đường này.

Lấy ý kiến chưa tới 100 hộ dân

Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu) dài hơn 3,5 km, rộng 48 m, hệ thống cống và công trình ngầm đã hoàn tất. Hiện Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước (chủ đầu tư; gọi tắt Trung tâm Chống ngập) đang thi công nâng cao mặt đường. Do lúc thi công xây tường chắn trước cửa nhà dân, gây khó khăn cho việc kinh doanh, đi lại nên quận đã kiến nghị dừng thi công để xem xét lại.

Ông Thinh cho biết thêm chủ đầu tư chưa tính toán việc thoát nước cho toàn khu vực hơn 90 ha ở quận Bình Tân. Việc nâng toàn bộ khu vực lên để bảo đảm cốt nền theo quy hoạch là bất khả thi trong điều kiện hiện nay. Hơn nữa, việc chủ đầu tư cho rằng 90% dân quận Bình Tân đồng ý cho nâng đường nhưng thực tế họ chỉ khảo sát vài hộ, trong khi dự án ảnh hưởng đến vài trăm hộ. Ông Thinh đề nghị chủ đầu tư nạo vét cửa xả, lắp đặt thêm máy bơm nước, xây dựng đê quai và lắp đặt van ngăn triều để chống ngập cho khu vực. “Trụ sở UBND quận Bình Tân trước đây cũng ngập nhưng sau khi lắp van 1 chiều và 2 máy bơm nước thì không còn ngập” - ông Thinh dẫn chứng.

Trong khi đó, theo Trung tâm Chống ngập, năm 2012, quận Bình Tân có văn bản gửi trung tâm khẳng định hơn 90% người dân (trong con số khảo sát chưa tới 100 hộ dân) thống nhất với việc nâng đường theo cốt đường 2.0 và phù hợp với quy hoạch quận.

Hàng trăm nhà dân buộc phải nâng nền để thuận tiện cho cuộc sống và kinh doanh
Hàng trăm nhà dân buộc phải nâng nền để thuận tiện cho cuộc sống và kinh doanh

Phải hỗ trợ người dân

Có mặt tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Vũ, đại diện Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R (đơn vị tư vấn thiết kế dự án), cho biết đơn vị tư vấn đã hạ cốt đường xuống một lần để được như thiết kế hiện nay là cao độ tim đường 2.0 và mép đường 1.7, như vậy đường Kinh Dương Vương xấp xỉ mép nước khi đỉnh triều (1,68 m). Nếu tiếp tục hạ nữa, trong tương lai, tuyến đường này sẽ bị tái ngập khi đỉnh triều lớn hơn kết hợp với lượng mưa tăng.

“Trước yêu cầu giảm độ cao đường Kinh Dương Vương một lần nữa, chúng tôi có 3 phương án hạ thêm từ 10-25 cm so với thiết kế ban đầu. Các phương án thiên về tăng độ dốc sang hai bên đường và hạ thấp vỉa hè để bớt ảnh hưởng đến nhà dân. Cụ thể, vỉa hè sẽ được hạ thấp tối đa 25 cm, mép nhà dân còn 1,45 m, người dân không phải nâng nền quá cao như thiết kế ban đầu. Các phương án này vẫn tiềm ẩn khả năng gây ngập khi triều cường vượt đỉnh kết hợp với mưa lớn, đặc biệt phương án hạ thấp vỉa hè sẽ mất thẩm mỹ khi vỉa hè sẽ có 2 bậc” - ông Vũ nói.

Thị sát tuyến đường Kinh Dương Vương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phê bình và yêu cầu quận Bình Tân và Trung tâm Chống ngập rút kinh nghiệm trong việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân, triển khai các giải pháp... Đặc biệt, việc lựa chọn thời điểm triển khai công trình khi mùa mưa đến đã ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. “Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án” - ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng dự án đã triển khai, nếu chậm trễ càng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Do đó, các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. “Thực hiện dự án làm sao phải giảm thấp nhất việc ảnh hưởng đến người dân. Phải tính toán mức thiệt hại cụ thể của người dân để có cách hỗ trợ thỏa đáng, giải thích rõ ràng chứ không phải chỉ cầm tiền đưa cho người ta là được” - ông Phong chỉ đạo.

Bí thư Thăng “truy” đường cao, đường thấp

Cùng ngày, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nhà Bè, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - yêu cầu ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lý giải vì sao trên địa bàn TP có một số tuyến đường cao hơn hoặc thấp hơn nhà dân gây khó khăn trong việc đi lại.

Ông Cường cho biết đường Kinh Dương Vương đoạn qua quận Bình Tân nhiều năm qua thường xuyên bị ngập do triều cường hoặc mưa lớn. Vì vậy, Trung tâm Chống ngập đã thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường, xử lý hệ thống cống, trong đó có việc tiến hành nâng đường. Lãnh đạo UBND TP đã đi kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý hài hòa, vừa bảo đảm chống ngập vừa tạo thuận lợi cho người dân.

Về tuyến đường Hồng Hà, Phạm Văn Đồng (đoạn qua Công viên Gia Định đến đường Trường Sơn) thấp hơn nhà dân, Sở Giao thông Vận tải đã cung cấp thông tin về độ cao cốt nền cho quận từ lâu nhưng quận cung cấp không đầy đủ cho dân nên quá trình sửa chữa, người dân đã xây nhà cao hơn mặt đường. Giải pháp hiện nay là một số đoạn sẽ nâng vỉa hè lên để tạo thuận lợi cho người dân ra vào nhà; một số đoạn sẽ làm các bậc để kết nối xuống đường; những nhà dân đang xây dựng thì tự hạ cốt nền xuống.

P.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo