Với chức năng theo dõi và thu thập dữ liệu trong quá trình mưa, ngập nước ở nhiều khu vực, hệ thống camera giúp cơ quan quản lý giám sát và xác định nguyên nhân ngập từ xa nhằm triển khai các biện pháp ứng phó. Mô hình này hiện đã có chủ trương nhân rộng trên địa bàn TP HCM.
Kiểm soát từ xa
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM - đơn vị quản lý hệ thống camera hiện hữu, cho biết sau hơn 1 năm lắp đặt, mô hình này đã giúp đơn vị chủ động trong việc theo dõi diễn biến ngập, giám sát hệ thống thoát nước, thu thập dữ liệu cụ thể trong suốt quá trình mưa mà không cần huy động lực lượng trực tiếp đi kiểm tra. Đồng thời, từ những dữ liệu mà hệ thống camera thu được, đơn vị cũng có thể đánh giá và xác định rõ nguyên nhân để đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài trong việc xử lý. Ngoài ra, hình ảnh từ camera còn được sử dụng cho mục đích quan sát giao thông nên cũng góp phần nâng cao năng lực của hệ thống điều khiển giao thông đô thị.
Theo ông Trường, hiện đơn vị đã lắp đặt 28 camera ở những điểm thường xuyên bị ngập nặng trên địa bàn TP như: đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Âu Cơ (quận Tân Bình), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)… Sắp tới sẽ gắn thêm 8 camera ở những khu vực khác nhằm tăng hiệu quả cho hệ thống này.
“Khi xác định vị trí ngập, chúng tôi huy động người đến khơi thông dòng chảy, nhất là những khu vực cống bị tắc nghẽn để nước nhanh tiêu thoát. Riêng những vị trí ngập sâu, đơn vị sẽ lập hàng rào cảnh báo nhằm bảo đảm an toàn… Tất cả phương án này đều được chủ động hơn do hệ thống camera đã xác định từ trước” - ông Trường nói.
Ngoài ra, trước khi các camera được lắp đặt, đơn vị quản lý hệ thống camera sẽ khảo sát kỹ từng vị trí và căn cứ vào thực tế mới bắt đầu triển khai. Qua quá trình giám sát, nếu những điểm ngập đã được cải thiện, đơn vị sẽ thu hồi các camera và chuyển đến vị trí khác phù hợp hơn nhằm không gây lãng phí trong công tác vận hành.
Tuy nhiên, ông Trường cho biết việc lắp đặt các camera cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố mới có thể mang lại hiệu quả cao. Hạn chế hiện nay trong việc nhân rộng mô hình camera chống ngập là lựa chọn các vị trí lắp đặt. Cụ thể, tại nhiều điểm ngập trên địa bàn TP không có vị trí thuận tiện khiến việc lắp các camera gặp khó khăn và làm hạn chế khả năng quan sát. Đồng thời, các camera phải được giữ gìn và bảo quản để tránh hư hỏng hoặc mất trộm nên hầu hết phải gắn trong nhà dân nhưng một số hộ không đồng ý khiến việc tìm được vị trí thuận tiện tương đối khó.
Sẽ chuyên nghiệp hơn
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cho biết mô hình camera nói trên hiện có chủ trương nhân rộng và UBND TP đã giao đơn vị này chủ trì nghiên cứu lắp đặt nhằm mang tính chuyên nghiệp hơn. Hiện dự án phát triển mô hình này đang chờ phê duyệt của HĐND TP theo Luật Đầu tư công và nếu được chấp thuận sẽ thực hiện thí điểm ở khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6). Theo ông Long, hệ thống camera do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP đang quản lý còn mang tính nội bộ, chủ yếu phục vụ công tác chuyên ngành. Khi mô hình này được nhân rộng sẽ chuyên nghiệp hơn do toàn bộ hình ảnh, dữ liệu trích xuất từ các camera đều được truyền về một máy chủ có liên kết với nhiều ngành khác để tăng cường khả năng giám sát và quản lý. “Khi đó, hệ thống camera không chỉ phục vụ công tác chống ngập mà còn liên kết với ngành giao thông, an ninh trật tự, có website riêng để đơn vị quản lý cũng như người dân được trực tiếp theo dõi” - ông Long cho biết.
Còn theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) - ĐHQG TP HCM, mô hình camera mà TP đang triển khai là một bước tiến trong công tác chống ngập. “Để hệ thống này phát huy hiệu quả hơn, có thể kết hợp với việc triển khai thêm các cọc tiêu đo mực nước tự động tại những vị trí ngập, kết nối qua tổng đài điện thoại nhận tin nhắn… nhằm đưa ra số liệu chính xác, giảm những việc làm thủ công nhưng vẫn được giám sát chặt chẽ” - ông Phi đề nghị.
Ngập khó giảm nếu phối hợp “khập khiễng”
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, để công tác chống ngập được thực hiện hiệu quả, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Hiện đơn vị này chỉ quản lý, thống kê những điểm ngập tại các trục đường chính trên địa bàn TP còn những tuyến đường, hẻm do chính quyền các quận, huyện quản lý. Nếu công tác phối hợp duy tu, nạo vét “khập khiễng”, hiện trạng ngập rất khó cải thiện. “Tình trạng xả rác, lấn chiếm kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp đang diễn ra phổ biến, dù làm tốt nơi này nhưng không tốt nơi kia thì không thể nào cải thiện được” - đại diện đơn vị này cho biết.
Bình luận (0)