Thông tin Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ công bố đường dây nóng tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã được nhiều người quan tâm.
Tham nhũng có dấu hiệu tăng
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long thẳng thắn cho rằng việc công bố số điện thoại đường dây nóng tố cáo tham nhũng, nhận quà biếu dịp Tết Nguyên đán dường như mang tính hình thức. Bởi thực tế, muốn xử lý được tham nhũng, nhận quà biếu sai quy định phải “bắt tận tay”, nếu chỉ điện thoại tố cáo mà người gọi không có chứng cứ, bằng chứng cụ thể, liệu có xử lý? Thời gian qua, tham nhũng không giảm mà còn có dấu hiệu tăng, trong đó tham nhũng vặt trở thành “bệnh phổ biến của xã hội” gây bức xúc dư luận. Ngược lại, công tác phòng chống tham nhũng lại không thực chất và hiệu quả, mang tính chất đối phó, bằng chứng là mới đây công bố của cơ quan thanh tra TP HCM và Hà Nội đều không phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng có nêu: phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử...
Phân tích nội dung này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng nội dung chỉ thị là mạnh mẽ, thể hiện quan điểm và cách tiếp cận mới mẻ trong việc chống tham nhũng. Trong khi đó, câu chuyện đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng lại không mới. “Sau khi 2 TP lớn nhất nước thông tin “không phát hiện tham nhũng” thì dư luận thấy nản, nghi ngờ, không biết liệu đường dây nóng này có ích lợi gì không?” - ông Doanh đặt vấn đề.
Còn theo ông Trần Văn Hùng, giám đốc tài chính một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại TP HCM, ngay cả những vụ việc cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm mà còn không xử lý thì thông tin tố giác của người dân giúp được gì? Ông Hùng dẫn chứng Vinafood 2 có nhiều sai phạm, phung phí cả ngàn tỉ đồng, tổng giám đốc cũ đã về hưu, trách nhiệm về những sai phạm trên sẽ xử lý ra sao?
Đề cập vấn đề ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Thanh An (nhiều năm làm cán bộ tuyên giáo tỉnh Bình Thuận) cho rằng việc chống tham nhũng đã có cơ chế, luật, hình thành nhiều ban bệ từ trung ương đến địa phương nhưng kết quả không như mong muốn. “Điển hình như vụ nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị phát hiện có nhiều sai phạm về nhà, đất ở nhưng những vi phạm mà các cơ quan chức năng đưa ra không có từ nào nhắc đến tham nhũng. Vụ phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định cho doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm”… Như vậy, người dân còn động lực nào để gọi đến đường dây nóng tố cáo tham nhũng?” - ông An bức xúc.
Nói phải đi đôi với làm
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây, Việt Nam bị xếp ở mức rất thấp trong bảng xếp hạng doanh nghiệp phải chi nhiều khoản chi phí không chính thức. Ngay khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp phải mất phí bôi trơn khá cao, phản ánh việc chống tham nhũng chưa hiệu quả.
“Cần giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ từ lời nói đến hành động nhưng đừng quá kỳ vọng vào việc nhận tố cáo qua đường dây nóng, nhất là khi chúng ta trọng chứng hơn trọng cung, trong khi cả người đưa và người nhận hối lộ đều rất tinh vi nên không dễ phát hiện. Việc chống tham nhũng, nói như một số đại biểu Quốc hội là đến giờ chúng ta vẫn “nể nang, dĩ hòa vi quý” - PGS-TS Ngô Trí Long nói.
Dẫn chứng điều này, ông Long cho rằng việc kê khai tài sản thực hiện cho đúng đối tượng và làm nghiêm đến giờ cũng chưa hiệu quả. Một quan chức lương không bao nhiêu nhưng có nhà lầu, xe hơi bất thường, có xử lý được không? Ngay cả việc bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng cũng chưa làm đến nơi đến chốn. Biện pháp có nhiều, quan trọng là cơ quan quản lý thực thi phải “nói đi đôi với làm”.
Lấy ví dụ cụ thể từ Trung Quốc, TS Lê Đăng Doanh cho biết ngay khi nhận được thông tin cụ thể về hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, được cung cấp thời gian, địa điểm hoặc người tố cáo gửi hình ảnh qua mạng, trong vòng 15 phút, lực lượng an ninh Trung Quốc đã ập tới, lập biên bản, bắt quả tang, lấy chứng cứ sai phạm… “Chúng ta công bố đường dây nóng là có thiện chí trong phòng chống tham nhũng nhưng việc thực hiện, công khai những người nhận hối lộ, tham nhũng lại “quá cơm nguội” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
Người tố cáo có quyền theo dõi kết quả xử lý
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo Luật Tố cáo năm 2011, ngay sau khi nhận được tố cáo qua điện thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiến hành xác minh lại họ tên, địa chỉ của người tố cáo; từ thông tin người tố cáo cung cấp, áp dụng theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo mà không tiếp nhận tố cáo, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật cũng quy định người tố cáo có quyền được giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, kết quả giải quyết tố cáo...
Bình luận (0)