Mỗi năm, đến kỳ nghỉ hè, nạn "chạy trường" lại bắt đầu. Bỏ qua trào lưu "chạy trường" chuyên, lớp chọn, trường gần nhà nhưng trái tuyến, còn lại là việc "chạy trường" cho có chỗ học của những gia đình lao động nhập cư từ các tỉnh về TP và các khu công nghiệp. Vì là diện KT3, con em họ khó vào trường công lập, bản thân gia đình họ bị thiệt thòi nhiều thứ (giá điện, nước, dịch vụ y tế…). Dư luận từng cho rằng như thế là thiếu tính nhân văn.
Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, chính quyền các đô thị và các địa phương tiếp nhận dòng người nhập cư không phải chỉ có áp lực về trường học mà còn rất nhiều thứ kéo theo như chăm sóc y tế, hạ tầng điện nước, giao thông, nhà ở, sinh hoạt vui chơi giải trí, công ăn việc làm… Trong khi đó, chính sách đầu tư của nhà nước dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không xuể.
Đã vậy còn nặng tính bình quân, cào bằng, có gì đó bất công với các địa phương tiếp nhận dòng người nhập cư. Các tỉnh có cư dân bỏ đi đông và các tỉnh tiếp nhận dòng người nhập cư vẫn nhận sự phân bổ vốn đầu tư cho an sinh xã hội như nhau do dựa vào con số báo cáo số hộ khẩu thường trú (trong khi dân di cư không cắt hộ khẩu). Vài chục người thì không sao nhưng cả trăm ngàn người, thập chí hàng triệu người, thì trở thành vấn đề xã hội.
Như vậy, cái gốc của vấn đề xuất phát từ tư duy phân phối bình quân chủ nghĩa, cào bằng cho dễ quản lý, cho có vẻ "công bằng" nhưng có biết đâu tạo sự bất công, cản trở sự phát triển, làm khổ mọi người. Để giải quyết, chỉ có con đường thay đổi tư duy quản lý ở cấp vĩ mô, nhạc trưởng làm công việc điều tiết chính xác, hợp lý nguồn vốn đầu tư công và thực hiện xã hội hóa để khơi dậy, huy động mọi nguồn lực xã hội. Dĩ nhiên, chỉ kêu gọi xã hội hóa không thì chưa đủ, mà phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ để toàn xã hội cùng bắt tay vào nhằm chấn hưng, bổ sung cho những khiếm khuyết của nguồn lực công.
Bình luận (0)