Theo bà Hường, con bà là anh Lê Anh Đức được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Thượng Hải (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tuyển vào làm thuyền viên từ ngày 1-10-2014.
Ngày 13-12-2014, anh Đức cùng 4 thuyền viên khác theo sà lan của công ty chở cọc bê-tông đến Bạc Liêu. Khi đến cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), sà lan bị sóng lớn đánh chìm, 5 thuyền viên trôi dạt trên biển, anh Đức tử vong sau đó.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Thượng Hải, khi sự việc xảy, công ty đã thuê máy bay, tàu để tìm kiếm thuyền viên. Anh Đức tử vong, công ty đã thuê xe đưa quan tài về Hà Tĩnh với chi phí 100 triệu đồng. Ngoài ra, công ty đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 50 triệu đồng để làm đám tang, đồng thời cử người đến thương lượng, thỏa thuận mức bồi thường nhưng chưa được đồng ý. “Tiền lương của Đức, chúng tôi sẽ thanh toán đủ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm 50 triệu đồng cho gia đình của Đức. Nếu không đồng ý, gia đình có quyền kiện ra tòa. Công ty sẽ thực hiện đúng theo phán quyết của tòa án” - ông Chí nói.
Bà Nguyễn Thị Hường khiếu nại vì con bà mất đã 4 tháng nhưng chưa được bồi thường
Về trường hợp này, luật sư Võ Văn Mẫn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt & Phương, TP HCM) cho biết theo quy định của pháp luật, công ty có trách nhiệm bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho thân nhân nạn nhân chết do tai nạn lao động. Ngoài ra, thân nhân nạn nhân còn được cơ quan BHXH chi trả các khoản sau: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung; trợ cấp do tai nạn lao động bằng 36 tháng lương tối thiểu chung (mức lương tối thiểu chung hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP); trợ cấp tuất hằng tháng, một lần.
Nếu gia đình anh Đức không đồng ý với việc thỏa thuận bồi thường của công ty thì có quyền khởi kiện ra TAND TP Biên Hòa để yêu cầu giải quyết.
Bình luận (0)