Đó là trường hợp Trường Trung cấp Việt Thuận - trường dạy nghề tư thục đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận.
7 năm thuê phòng
Tháng 8-2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ký quyết định thành lập Trường Trung cấp Việt Thuận. Tiếp đó, tháng 12-2011, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định giao 4,5 ha đất tại phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm cho nhà trường để xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ công tác đào tạo.
Do số tiền đền bù giải phóng mặt bằng lên đến hơn 28,5 tỉ đồng nên tháng 11-2013, HĐQT của nhà trường đề nghị giảm quy mô xây dựng còn 2,43 ha và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận.
Điều lạ lùng là dù Trường Trung cấp Việt Thuận chưa tiến hành xây dựng cơ sở vật chất nhưng trước đó, vào giữa tháng 6-2012, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định cho trường triển khai các hoạt động giáo dục. Vậy là từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2015, lãnh đạo nhà trường đã thuê 6 phòng làm việc của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Ninh Thuận tại phường Đài Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm để mở nhiều lớp trung cấp hệ chính quy các ngành kinh tế doanh nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, tài chính - ngân hàng, sư phạm mầm non, xây dựng dân dụng với trên 400 sinh viên theo học.
Suốt 3 năm Trường Trung cấp Việt Thuận hoạt động giáo dục mà không có trường, Sở GD-ĐT vẫn không tham mưu với UBND tỉnh Ninh Thuận để có biện pháp chấn chỉnh. Đến tháng 9-2015, Sở GD-ĐT lại có văn bản chấp thuận cho nhà trường thuê 8 phòng của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Thuận ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (trong thời gian 5 năm) để tiếp tục đào tạo hàng trăm sinh viên các ngành học nêu trên. Thậm chí, trường còn mở lớp liên thông đại học cho 56 sinh viên trung cấp luật và lớp kiến thức cần thiết về du lịch (trong đó có cả tiếng Anh giao tiếp) cho 25 người ở Khu Du lịch Vĩnh Hy, trong thời gian... 5 ngày!
Trường Trung cấp Việt Thuận thuê cơ sở của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận để dạy
Quyết không xây!
Nhận thấy việc thành lập trường nhưng không cần xây trường lớp vẫn hoạt động trơn tru nên cuối tháng 5-2017, HĐQT Trường Trung cấp Việt Thuận đã có văn bản trình UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị không xây trường nữa. Thay vào đó, nhà trường sẽ tiếp tục liên kết với Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận để sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị này làm nơi đào tạo cho sinh viên.
Theo ông Đỗ Trung Thu - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Thuận, thành viên HĐQT - sở dĩ nhà trường đề nghị không xây trường vì Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, dân số ít, kinh tế chưa phát triển, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chưa nhiều… Trong khi đó, nhà đầu tư bỏ ra số tiền quá lớn (gồm các khoản: đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư, xây dựng cơ sở vật chất…) nên không biết đến bao giờ mới thu lại được. Mục đích của việc liên kết giữa nhà trường và Hội Nông dân là để… tránh lãng phí (?).
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu về số giáo viên cơ hữu, thỉnh giảng, công tác kiểm tra, chất lượng đào tạo của trường nhưng sở cho biết trường chịu sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, trường chỉ mới được bàn giao cho sở từ đầu tháng 4-2017.
"Không thể được"!
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình xác nhận việc Trường Trung cấp Việt Thuận có văn bản đề nghị không xây trường.
"Tỉnh rất ủng hộ công tác xã hội hóa giáo dục nhưng việc thành lập trường nhưng không xây trường lớp thì không thể được vì hoạt động của nhà trường phải theo đúng Luật Đầu tư, Luật Giáo dục. Trước mắt, tỉnh tạm chấp thuận cho trường tiếp tục đào tạo số sinh viên đang theo học; đồng thời yêu cầu nhà trường phải có lộ trình xây trường hẳn hoi, nhanh chóng. Tỉnh đã giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc, có báo cáo cụ thể trong tháng 6 này" - ông Bình khẳng định.
Bình luận (0)