Thông tin vi khuẩn E.coli mới cực độc được coi là thủ phạm gây dịch nhiễm khuẩn đường ruột tại châu Âu đang khiến nhiều người lo ngại chủng vi khuẩn này đã xâm nhập Việt Nam
E.coli ẩn nấp khắp nơi
Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, vi khuẩn E.coli thường sống ký sinh trong ruột của người, động vật, tồn tại trong môi trường và hiện diện ở nhiều loại thực phẩm. Khoa học đã xác định vi khuẩn E.coli có rất nhiều tuýp khác nhau, có những chủng không gây bệnh và chủng gây bệnh. Tuy nhiên, có những chủng như E.coli O157:H7 có thể gây ra tiêu chảy nghiêm trọng, ra máu hoặc đau bụng, thậm chí có thể gây rối loạn tiêu hóa và suy thận.
Ông Huấn cho biết tại Việt Nam, trong các vụ dịch gây tiêu chảy cũng chưa tìm thấy sự hiện diện của chủng vi khuẩn E.coli O157:H7. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng mọi người đều có thể bị nhiễm E.coli qua tiếp xúc hay phơi nhiễm với phân người và phân động vật, kể cả gia cầm. E.coli có thể xâm nhập thịt gia cầm hay thịt heo trong quá trình làm thịt. Nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín thì vi khuẩn có thể sống sót và vẫn bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một số thực phẩm sau đây cũng có thể bị nhiễm E.coli: rau cải và trái cây, sữa tươi chưa được tiệt khuẩn. Chúng ta có thể bị nhiễm E.coli qua tắm sông mà nước bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử khuẩn bằng chlorin.
Thực phẩm đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa vi khuẩn E.coli
Theo các chuyên gia dịch tễ, người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau khi nhiễm bệnh khoảng 7 - 10 ngày nhưng với trẻ nhỏ, bệnh gây ra bởi E.coli và các biến chứng nghiêm trọng hơn từ nhiễm trùng, thậm chí gây ra hội chứng tan huyết ure dễ dẫn đến suy thận và tử vong. Ngoài ra, những người đã suy yếu hệ thống miễn dịch do AIDS hoặc dùng các loại thuốc để điều trị ung thư hoặc để ngăn chặn sự đào thải cấy ghép nội tạng, có nhiều khả năng mắc bệnh khi ăn phải vi khuẩn E.coli.
Xâm nhập qua khách du lịch
Bác sĩ Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y 103) cho rằng không loại trừ chủng vi khuẩn mới có độc lực cao mang tên 0104: H4 đang hoành hành ở châu Âu cũng đã hiện diện ở Việt Nam. Bởi thực tế vi khuẩn E.coli này có nhiều trong phân người và gia súc. Nhiều người trong quá trình chế biến thiếu vệ sinh không có thói quen rửa tay trước khi ăn hay trước khi chế biến thực phẩm, bảo quản thực phẩm không tốt để các loại côn trùng xâm nhập mang theo vi khuẩn E.coli từ phân, rác vào thức ăn.
Theo ông Huấn, mặc dù Việt Nam chưa tìm thấy chủng vi khuẩn có gien cực độc đang gây bệnh tiêu chảy ở châu Âu nhưng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, không loại trừ vi khuẩn này sẽ xâm nhập Việt Nam qua khách du lịch nước ngoài. Đó là chưa kể thời điểm nắng nóng như hiện nay rất thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Nếu người dân mất cảnh giác trong vấn đề ăn uống đồ nguội, đồ tươi sống thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn đường ruột sẽ rất cao. Uống hoặc vô tình nuốt nước không qua xử lý có thể gây nhiễm E.coli. Thực tế đã có trường hợp nhiễm bệnh sau khi đi bơi trong hồ.
Ông Huấn khuyến cáo việc sử dụng các thực phẩm như rau sống, tiết canh, các món gỏi… có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Vì trong những loại thực phẩm sống này dễ có các loại vi khuẩn gây tiêu chảy, trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn E.coli. Thực tế các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây cũng là hồi chuông cảnh báo về thực phẩm nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm E.coli. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng trong tháng 5 đã có 10 vụ ngộ độc thực phẩm tại 7 tỉnh với 138 người mắc, 116 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó 4/10 vụ ngộ độc là do vi sinh vật mà chủ yếu là E.coli.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết với các bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy được điều trị tại đây, người ta mới chỉ xác định được do E.coli chứ không phân tích do những tuýp vi khuẩn nào. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tiêu chảy do E.coli có những biểu hiện rất nặng như nhiễm khuẩn huyết, trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Giám sát thực phẩm nghi nhiễm E.coli Bộ Y tế cho biết trước tình hình nhiễm khuẩn E.coli gây xuất huyết đường tiêu hóa, tan huyết và suy thận đang bùng phát tại Đức và một số nước châu Âu, bộ đã yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại sân bay, cửa khẩu, phát hiện sớm người có các biểu hiện sốt và tiêu chảy cấp, cách ly và chuyển tuyến điều trị kịp thời để ngăn ngừa việc lây nhiễm E.coli. Bộ cũng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra các phương tiện vận tải nhập cảnh vào Việt Nam.
Bình luận (0)