Chiều 11-5, "Chương trình học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên (HS-SV) dân tộc thiểu số, HS nghèo" tổ chức buổi họp mặt các nhà đồng hành, nhà tài trợ chương trình. Đến tham dự có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; đại diện các doanh nghiệp (DN), nhà hảo tâm đã đồng hành với chương trình.
Báo cáo tại buổi họp mặt, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết "Chương trình học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" tiền thân là Quỹ Bảo trợ HS dân tộc thiểu số, HS nghèo, được thành lập từ năm 2007, do ông Trương Hòa Bình làm Chủ tịch danh dự. Ngày 17-1-2022, Báo Người Lao Động được tiếp nhận quản lý từ Báo Công an Nhân dân và đổi tên thành "Chương trình học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" để phù hợp với các hoạt động công tác xã hội của Báo Người Lao Động trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, từ khi tiếp nhận đến nay, Báo Người Lao Động đã kêu gọi các DN, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Từ tháng 4-2022 đến nay, chương trình đã trao tặng 405 suất học bổng với số tiền hơn 1 tỉ đồng cho HS-SV dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại buổi họp mặt, ông Trương Hòa Bình đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của các DN, nhà hảo tâm đã đóng góp kinh phí cho chương trình. "HS-SV dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều thiếu thốn, rất cần sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng. Vì vậy, việc đóng góp kinh phí cho chương trình là góp phần động viên các cháu vượt qua mặc cảm, tự tin hội nhập".
Ông Trương Hòa Bình biểu dương ông Tô Đình Tuân và tập thể Báo Người Lao Động đã nhanh chóng tiếp nhận, thực hiện tốt, đưa "Chương trình học bổng hỗ trợ HS- SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" phát triển đúng hướng, hiệu quả, lan tỏa rộng khắp.
Cũng tại buổi họp mặt, ông Trương Hòa Bình đã phát động đóng góp kinh phí để chương trình trao tặng 1.000 xe đạp và 500 máy tính bảng cho HS-SV dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, tổng kinh phí dự kiến là 5 tỉ đồng.
Ngay sau lời phát động, các đơn vị và cá nhân đã hưởng ứng và đăng ký đóng góp 2,05 tỉ đồng và 10 suất học bổng. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thuận, ủng hộ thêm 1,5 tỉ đồng để xây 5 cây cầu cho người dân miền Tây Nam Bộ.
Ông Tô Đình Tuân gửi lời cảm ơn đến ông Trương Hòa Bình vì đã tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý "Chương trình học bổng hỗ trợ HS-SV dân tộc thiểu số, HS nghèo" cho Báo Người Lao Động; đồng thời đã có những chỉ đạo, định hướng để chương trình phát triển và lan tỏa sâu rộng. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng gửi lời cảm ơn đến các DN, nhà hảo tâm đã tích cực tham gia đóng góp kinh phí cho chương trình; mong các DN, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành với chương trình, góp phần giúp đỡ được nhiều trẻ em trên khắp cả nước.
"Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục phát triển chương trình, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng" - ông Tô Đình Tuân khẳng định.
Bình luận (0)