Đã 8 năm trôi qua, hai cha con họ xem bệnh viện là nhà, Tết đến với họ thật nhẹ nhàng nhưng cũng đầy ấm áp.
Ngày cuối năm, không khí ở Khoa Hồi sức Bệnh viện (BV) Phụ sản Nhi Quảng Nam (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) buồn man mác. Lâu lâu, tiếng khóc than của những đứa trẻ tội nghiệp đập tan không khí im ắng.
Bên ngoài khung cửa sắt, nhiều phụ huynh gương mặt hốc hác, ánh mắt lo lắng luôn hướng vào bên trong nghe ngóng tình hình sức khỏe của con. Họ không được vào trong vì BV quy định chỉ duy nhất một người thân vào chăm con để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hai cha con ông Vĩnh đã 8 năm qua đón Tết ở bệnh viện
Ở một góc phòng của Khoa Hồi sức, chiếc máy thở phát ra tiếng kêu liên hồi. Chiếc ống thở to hơn ngón chân cái người lớn gắn vào người cô bé có gương mặt đẹp, cặp lông mày rậm, đôi mắt luôn bừng sáng những tia hy vọng.
Cô bé chỉ nằm một mình. Cứ vài tiếng, có một người đàn ông mang trang phục bảo vệ BV tiến đến, nhẹ nhàng pha sữa, lấy lược chải tóc, giặt khăn lau cơ thể cho cô bé. Hỏi ra mới biết, đó là hai cha con ông Trần Quang Vĩnh (SN 1975; ngụ khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) và em Trần Nguyễn Hà Tiên (SN 2007).
Lẩn sâu trong từng âm thanh phát ra từ chiếc máy thở là câu chuyện cảm động về tình người, tình cha con mà ai nghe cũng thật sự rất xúc động.
Ông Vĩnh vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh cách đây gần 9 năm. Hôm đó trời Tam Kỳ nắng gay gắt, đám ve sầu cất tiếng kêu thưa dần báo hiệu kỳ nghỉ hè đã kết thúc. Như các bậc phụ huynh khác, vợ chồng ông Vĩnh háo hức sắm sửa áo quần, sách vở làm hành trang cho Tiên chuẩn bị bước vào lớp 1. Tai họa bỗng ập đến khi đột nhiên Tiên bị sốt, nằm mệt li bì. Đến BV khám, Tiên được chẩn đoán bị viêm não, được khẩn cấp chuyển ra Đà Nẵng điều trị.
Clip: Ông Vĩnh cho cô con gái cưng uống sữa
Tại Đà Nẵng, Tiên rơi vào trạng thái hôn mê suốt 6 tháng. Khi tỉnh lại, Tiên mất trí nhớ, bị liệt gần như toàn thân, chỉ còn cánh tay phải có thể cử động được.
Năm 2016, sau gần 4 năm điều trị ở BV Đà Nẵng, gia đình xin chuyển vào BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) để tiếp tục nuôi hy vọng. Sau 2 tháng, các bác sĩ nói rằng tình hình sức khỏe của Tiên không tiến triển trong khi hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên vợ chồng ông Vĩnh đành phải đưa con trở lại Đà Nẵng.
Cũng trong năm 2016, Tiên được chuyển về điều trị tại BV Phụ sản Nhi Quảng Nam.
2 cha con ông Vĩnh đón Tết tại bệnh viện một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy ắp tiếng cười
Mấy năm trời ròng rã theo con, vợ chồng ông Vĩnh vốn dĩ khó khăn lại càng thêm bi đát. Tất cả mọi tài sản đáng giá trong gia đình đều đã bán sạch. Khi về lại Quảng Nam, ông Vĩnh phải túc trực bên con còn vợ ông đi phụ bán quán cơm cho người ta để kiếm thêm thu nhập. Tiền công ít ỏi của bà không đủ lo chi phí cho con tại BV và lo cho 2 đứa con trai ở nhà ăn học.
Ông Vĩnh nhớ thời điểm năm 2017, gia đình ông không còn một đồng dính túi. Đến nỗi có người cho sữa nhưng ông không có đủ 2.000 đồng để mua nước sôi pha sữa cho con uống. Cực khổ là thế nhưng vợ chồng ông đành nuốt nước mắt vào trong, không bao giờ than thở với cô con gái. Thương con, cứ có thời gian rảnh là ông Vĩnh ngươc xuôi tìm việc làm. Ai kêu gì làm đó, từ bốc vác, phụ hồ, làm xe ôm, cứ việc gì kiếm ra tiền, có khó mấy ông Vĩnh cũng chấp nhận.
Năm 2019, khi biết được hoàn cảnh của gia đình ông Vĩnh, ban giám đốc BV Phụ sản Nhi Quảng Nam đã quyết định nhận ông vào làm bảo vệ. Nhờ đó, ông Vĩnh có thêm một khoản thu nhập, lại có thể ở luôn tại BV để chăm sóc cho con.
Công việc ông Vĩnh mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau ca trực đêm, ông ra quán phía trước cổng BV mua cháo cho con. Biết được hoàn cảnh của hai cha con, chủ quán cháo chỉ lấy tiền bữa sáng, miễn phí bữa trưa. Buồi chiều quán này nghỉ bán nên ông Vĩnh đi mua ở quán xa cổng bệnh viện hơn một chút. Mua cháo xong, ông Vĩnh vào đánh thức con gái dậy, vệ sinh cho con, cho con ăn rồi tiếp tục công việc của mình khi đồng hồ điểm 7 giờ sáng.
Cứ sau 3 tiếng, ông lại tranh thủ lên thăm con, cho con ăn, uống sữa.
Tiên không nói chuyện được, không biết chữ nhưng có thể lên mạng mở phim để xem
Đối với các y bác sĩ ở BV Phụ sản Nhi Quảng Nam, hai cha con ông Vĩnh lâu nay đã trở thành một phần cuộc sống của họ. Khi có các đoàn thiện nguyện đến thăm, suất quà đầu tiên lúc nào Tiên cũng được ưu tiên. Nhiều năm qua, ngoài tình thương của ông Vĩnh, Tiên còn được đón nhận tình cảm hết sức đặc biệt từ các y bác sĩ ở Khoa Hồi sức. Khi không có ông Vĩnh ở bên, các y bác sĩ chính là những người chị, người mẹ thực sự luôn tận tình chăm sóc, lo lắng cho Tiên.
Nhờ những tình cảm đó, cô bé lúc nào cũng nở nụ cười trên môi dù cả quãng đời còn lại của Tiên phải gắn với chiếc máy thở. Nhiều năm nay, Tiên chỉ có thể ăn cháo, uống sữa thông qua ống dẫn thẳng vào thực quản. Miệng em không thể phát ra âm thanh được nhưng có thể hiểu được mọi người nói chuyện. Dù không biết chữ nhưng Tiên có thể mở phim hay các chương trình giải trí trên điện thoại để xem.
Thời khắc giao thừa, ông Vĩnh luôn túc trực, kể chuyện cho con nghe
Tết đến, Tiên ra dấu với ba rằng cô thích một cái kẹp tóc có gắn hình hoa hồng. Chiều 30 Tết, ông Vĩnh lật đật chạy ra chợ tìm mua cho con. Đêm giao thừa, ông nhẹ nhàng lấy chiếc kẹp gắn hình hoa hồng cài lên mái tóc đen tuyền của cô con gái, ông kể về ý nghĩa cái Tết của người Việt cho cô con gái nghe. Đã 8 năm rồi, 2 cha con ông Vĩnh ở bên nhau khi thời khắc giao thừa đến. Ông Vĩnh nói rằng vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, ông chỉ có một ước nguyện duy nhất là con ông tiếp tục được sống, bản thân ông được khỏe mạnh để có thể lo cho con.
Hiện nay, ông Vĩnh có việc làm ổn định nhưng khoản tiền lương bảo vệ chẳng được bao nhiêu nên gia đình ông vẫn hết sức khó khăn. Ngoài làm bảo vệ, ngày nghỉ ông tranh thủ đi làm phụ hồ, chạy xe thồ để kiếm thêm thu nhập mua bỉm, sữa cho con.
Thông qua bài viết này, Báo Người Lao Động xin làm cầu nối để các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ cha con ông Vĩnh vơi bớt một phần khó khăn trong hành trình tiếp theo.
Bình luận (0)