Từ những điều mắt thấy tai nghe và bản thân được trải nghiệm, một số bạn đọc đã viết bài phản ánh gửi đến Báo Người Lao Động.
Giá Tết mà em!
Sáng mùng 2 Tết, gia đình tôi đi lễ ở phủ Tây Hồ - Hà Nội bằng xe máy. Do có đông người đi lễ, đường Đặng Thai Mai dẫn vào phủ tắc nghẽn nên chúng tôi tạt vào một nhà dân bán quán nước, đồ lễ kiêm luôn dịch vụ trông giữ xe máy để gửi xe cho tiện.
Sau khi lễ bái xong, chúng tôi kéo vào quán bún ốc vì lâu nay món bún ốc phủ Tây Hồ vẫn được xem là ngon có tiếng. Cả nhà tôi không ai để ý đến giá cả bởi nghĩ đắt hơn ngày thường một chút là cùng. Đến khi gọi thanh toán tiền, chúng tôi như không tin vào tai mình khi bà chủ quán bún “hét” 420.000 đồng cho 6 tô bún. Thấy giá quá “chát”, tôi phàn nàn, bà chủ cười nhạt: “Giá Tết mà em! Thông cảm đi, cái gì ngày Tết cũng đắt hết...”.
Trên đường trở ra, mẹ tôi bảo: “Không chừng 3 chiếc xe máy gửi ngoài kia cũng bị chặt chém...”. Quả đúng vậy, khi ra đến bãi gửi xe, vừa chìa vé để trả, chủ quán giọng lạnh tanh nói: “Cho xin mỗi xe 50.000 đồng!”. Tôi bảo các bãi giữ xe phục vụ người đi xem bắn pháo hoa cũng không đắt như vậy, người thanh niên trả lời: “Giá ở đây là vậy. Tết nhất người ta phục vụ, có mấy chục ngàn đồng một xe cũng chê đắt...”. Rút đủ 150.000 đồng trả mà trong lòng thấy bực bội, ấm ức.
Chẳng riêng gì quán ăn, dịch vụ trông giữ xe, rất nhiều dịch vụ, mặt hàng khác cứ Tết đến lại “phi nước đại” về giá. Thế nhưng, không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không xử lý mạnh tay, triệt để nạn “chặt chém” này?
Trịnh Viết Hiệp (Cầu Giấy, Hà Nội)
Giả cụt tay xin cả vài triệu đồng
Những ngày đầu Xuân, các đền, chùa lúc nào cũng đông nghẹt người vào ra chiêm bái cầu lễ. Lợi dụng cơ hội, có rất nhiều người tụ tập về những chốn này để kiếm ăn. Không chỉ người già neo đơn cơ nhỡ, trẻ nhỏ mồ côi kiếm miếng cơm manh áo qua công việc xin ăn mà lắm kẻ lành lặn, sức dài vai rộng cũng giả dạng, trà trộn vào.
Năm nay đi chùa, tôi lại gặp “người quen”. Anh ta cụt tay, chừng 40 tuổi, Tết nào cũng xuất hiện ở lối vào phủ Tây Hồ ròng rã cả tháng đến mức tôi quen mặt. Trước đó, tôi vô tình gặp anh ta đang ngồi uống cà phê với bè bạn tại một quán sang trọng ở trung tâm TP nhưng không hề bị cụt tay. Tìm hiểu, tôi được biết anh ta đã bó tay gập lên, giả bị cụt phần cẳng tay dưới để đánh vào lòng thương hại của mọi người. Năm nay cũng đã có rất nhiều người bỏ vào nón của anh ta 5.000-10.000 đồng, có người còn bố thí cả mấy chục ngàn đồng. Nghe nói, có những buổi anh ta xin được cả vài triệu đồng chỉ bằng màn kịch giả cụt tay.
Không chỉ ở phủ Tây Hồ, những lần đi lễ ở đền Bia Bà (Hà Đông), chùa Hương, Yên Tử (Quảng Ninh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)..., tôi cũng từng bắt gặp những kẻ giả dạng tàn tật để xin ăn như người đàn ông trên. Từ giả cụt chân, tay, liệt tứ chi; giả câm đến giả bệnh tật, lở loét đầy người. Bất nhẫn hơn, nhiều người đem cả trẻ em ra làm công cụ để xin ăn. Những đứa trẻ tội nghiệp bị đặt nằm bên vệ đường ở lối dẫn vào chùa với chiếc nón bên cạnh để xin tiền... Những năm gần đây, người đóng giả kẻ tu hành đi khất thực cũng rất đông bởi đây được coi là một “nghề” kiếm tiền nhàn hạ, dễ dàng...
Có thể thấy các hình thức ăn xin ngày càng biến tướng, nhiều chiêu trò. Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài việc các cấp ngành và chính quyền địa phương phối hợp xử lý theo quy định thì mỗi người dân kiên quyết không cho tiền người ăn xin mà nên làm từ thiện đúng nơi, đúng đối tượng để những kẻ lười lao động không thể trục lợi tình thương của người khác.
Nguyễn Hoàng Đại (Thanh Xuân, Hà Nội)
Rôm rả chiếu bạc tại gia
Sáng mùng 1, tôi đến chúc Tết gia đình người bà con trong làng, thấy có mấy sới bạc đang xôm tụ, rôm rả ở chiếc sập gụ giữa nhà và trên 2 chiếc giường ở gian bên cạnh. Những thành viên trên 3 chiếu bạc ấy đều là người trong gia đình kết hợp với một số hàng xóm, khách đến chúc Tết. Đàn ông, phụ nữ, già trẻ đều có. Xung quanh hội bạc, trẻ em là con, cháu của những người chơi bạc đứng, ngồi xem.
Trong ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, đến nhà ai chúc Tết, tôi cũng bắt gặp các sới bạc mà các thành viên say mê vùi đầu vào chơi, sát phạt nhau. Người lớn chơi, trẻ nhỏ cũng lập hội. Nhiều gia đình nổi tiếng nghiêm khắc, luôn cấm con cháu chơi cờ bạc dưới bất cứ hình thức nào nhưng bố mẹ, ông bà lại sát phạt nhau… Được hỏi, họ nói: “Ngày Tết là ngoại lệ, “giết” thời gian, chơi cho vui. Ngày thường, tuyệt nhiên… không được chơi”.
Tôi từng đi nhiều nơi và thấy ở các làng quê vào dịp Tết có rất nhiều hội cờ bạc của người lớn lẫn thanh thiếu niên được “họp” ngay trên đường làng, ngõ xóm. Họ đánh bạc vô tư, thoải mái, không thấy ai bắt hay nhắc nhở gì, trong khi đánh bạc dù với bất kỳ hình thức và thời điểm nào cũng đều vi phạm pháp luật. Lẽ nào ngày Tết cũng là một… ngoại lệ nên chính quyền các địa phương cho dân đánh bạc thoải mái?
Nguyễn Thị Hải (Đại học Văn hóa)
Không đến chúc Tết lãnh đạo
Trước Tết, cơ quan tôi họp mặt cuối năm, sau khi dặn dò một số nội dung quan trọng, sếp tôi nói: “Chúng ta cùng cơ quan, cả năm gặp mặt, đầu năm mới cũng sẽ gặp mặt tại cơ quan. Do đó, những ngày Tết, các anh chị chỉ đi chúc Tết bà con họ hàng, bạn bè, không nhất thiết phải đến nhà lãnh đạo chúc Tết, chẳng có ai trách móc gì đâu!” .
Lời nhắc khéo trên khiến chúng tôi suy nghĩ. Thứ nhất, nhà nước có chủ trương cấm tặng quà và nhận quà tặng trái quy định. Thứ hai, mấy ngày Tết, nhà sếp phải tiếp họ hàng nội ngoại, bạn thân, hàng xóm rồi lại tiếp cả trăm nhân viên. Tiếp khách từ sáng đến tối vẫn không xuể. Không lẽ mấy ngày Tết phải đóng cửa để miễn tiếp khách?
Những năm trước, ai cũng đi chúc Tết sếp, tôi không thể không đi, dù rất ngại. Năm nay được sếp miễn giảm, quả thật thấy giảm áp lực. Việc này thiết nghĩ cũng tốt cho cả lãnh đạo mà lại văn minh, tiết kiệm.
Minh Đức (Kon Tum)
Bình luận (0)