Cô dâu mặc áo bệnh nhân, những người tham dự bệnh nhân và chủ hôn là các y bác sĩ, thế nhưng cả cô dâu, chú rể và những người tham dự đều rơi nước mắt vì cảm nhận sự đầm ấm, yêu thương và tình người.
Một người phụ nữ 30 năm không thể mở miệng nhưng nhờ bác sĩ “giải cứu” mà chị đã có thể nở nụ cười hạnh phúc.
Đặc biệt hơn, gia đình có 5 đứa con bị dân làng hắt hủi, coi như “quái vật” khi “vác” những u bướu nặng trên mặt đã có thể dựng vợ, gả chồng nhờ đôi bàn tay của các bác sĩ.
Bây giờ họ ra sao?
Ông Tơ, bà Nguyệt… bất đắc dĩ
Cô dâu bệnh nhân và chú rể nhận lời chúc phúc của các y bác sĩ
Gần 2 năm đã trôi qua nhưng “đám cưới” của cô dâu - bệnh nhân Hà Thị Hom (27 tuổi) và chú rể Hà Văn Thơm (24 tuổi) người dân tộc Thái ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vẫn là một kỷ niệm vui, đáng nhớ của nhân viên Đơn vị Phẫu thuật tim mạch (Khoa C8), Viện Tim mạch Quốc gia.
Đám cưới này được gọi là đặc biệt bởi “đồng chủ hôn” chính là công đoàn và bác sĩ của Khoa C8, còn cô dâu là một bệnh nhân trước ngày mổ tim. Chỉ trước đám cưới vài ngày, cô dâu Hom đã ngất xỉu, đi khám thì phát hiện ra khối u trong tim, nếu không được phẫu thuật thì mạng sống sẽ bị đe dọa.
“Theo lịch mổ, ngày 24-4-2014, bệnh nhân Hà Thị Hom sẽ được phẫu thuật cắt khối u trong tim nhưng Thơm cứ nằng nặc xin hoãn mổ. Hỏi kỹ, Thơm mới bẽn lẽn cho biết, ngày 24-4 là ngày cưới của hai vợ chồng. Vì cỗ bàn đã đặt, khách đã mời nên dù cô dâu đã nhập viện, chú rể cũng vắng nhưng gia đình vẫn tổ chức đám cưới bình thường.
Chú rể bày tỏ nguyện vọng xin lui cuộc mổ sau ngày cưới. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, chúng tôi quyết định lùi mổ sau một ngày. Công đoàn khoa C8 cùng các bác sĩ đã có ý tưởng tổ chức một tiệc ngọt nho nhỏ, coi như một đám cưới theo đời sống mới, chỉ có trà, trái cây, một chút bánh kẹo để chúc mừng cặp tân lang, tân nương”- TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng Khoa C8 nhớ lại.
Điều dưỡng trưởng Khoa C8, chị Trần Bích Phương, cho biết đây cũng là lần đầu tiên một tiệc cưới được Khoa tổ chức ngay trong khu bệnh phòng để chúc mừng bệnh nhân. Nhận được sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo khoa, các chị em trong khoa đã tranh thủ hơn 1 giờ nghỉ trưa để mua hoa, trang trí chỗ ngồi và chuẩn bị trái cây, bánh kẹo cho tiệc cưới.
Nhận bó hoa cưới cùng bì thư mừng cưới, được nhận lời chúc phúc của mọi người, những giọt nước mắt lăn dài trên má của cô dâu - bệnh nhân Hà Thị Hom. BS Hùng chia sẻ: “Với những việc làm giản đơn nhưng gần gũi, ấm áp như vậy, chúng tôi mong muốn khoảng cách giữa nhân viên và bệnh nhân sẽ được xóa nhòa. Bệnh viện sẽ trở thành gia đình, thành nơi chia sẻ không chỉ gánh nặng bệnh tật mà cả những nỗi niềm riêng tư trong đời sống của bệnh nhân”.
Một đám cưới với người tham dự là những người mặc áo blouse và bệnh nhân
Ngày xuất viện, anh Thơm thật thà kể đến bây giờ anh vẫn chưa tin những gì diễn ra với mình mấy ngày qua với vợ chồng anh là sự thật: “Nó như câu chuyện cổ tích vậy. Với nhiều bệnh nhân có lẽ khoảng thời gian nằm viện, phẫu thuật là quãng thời gian đáng sợ nhất nhưng với vợ chồng tôi đây là giây phút vô cùng đáng nhớ, đáng trân trọng”
Xuất viện trở về, nhớ lời dặn của bác sĩ, sau cuộc đại phẫu thuật lấy khối u tim, gần 6 tháng sau, hai vợ chồng mới quyết định có bầu. Đến hôm nay, con trai của vợ chồng anh Thơm - chị Hom đã gần 3 tháng tuổi.
“Cháu bé sinh ra nặng 3,2 kg, đến nay đã được hơn 3 tháng tuổi. Trộm vía con kháu khỉnh và khỏe mạnh”- anh Thơm hồ hởi khoe với tôi qua điện thoại và không quên gửi tôi lời cảm ơn tới các y bác sĩ Khoa C8. “Vợ chồng em cũng dự định khi nào con trai cứng cáp nhất định gia đình sẽ trở lại Hà Nội cảm ơn các y bác sĩ Khoa C8”- anh Hom vui mừng chia sẻ.
Hà Thị Hom và cậu con trai gần 3 tháng tuổi
30 năm mới biết… cười
Một tháng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ăn uống bình thường
“Có lẽ nếu bây giờ mọi người gặp lại bệnh nhân Nguyễn Thị Dậu - bệnh nhân bị khít hàm 30 năm chắc là chị không nhận ra đâu. Bệnh nhân mới tái khám cách đây không lâu. Giờ chị ấy nói năng linh hoạt, nhanh nhẹn, béo trắng chứ không như cái ngày nhập viện chị ấy gầy và đen, hai hàm răng dính chặt, không thể há miệng”- bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt (BV Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội) chia sẻ.
Năm 16 tuổi, chị Dậu bị ngã đập mặt vào thành giếng, hàm bị vỡ. Sau khi vết thương lành thì hàm cũng dính chặt với nhau, khôg thể mở miệng. Chị Dậu không thể ăn uống bình thường mà chỉ sống nhờ uống sữa, nước cháo qua ống hút. Dù thế, sữa và cháo vẫn tràn qua kẽ răng rất khó coi. Đã gần 30 năm, chị Dậu đã đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều bó tay.
Cuối tháng 3- 2013, chị Dậu đã đến BV Việt Nam - Cu Ba để tìm hy vọng cuối cùng. BS Nguyễn Thanh Thái, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt (BV Việt Nam - Cu Ba) cho biết. “Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị chứng khít hàm sau chấn thương. Vì thế, để phẫu thuật cho bệnh nhân này các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật bóc tách, mở hàm. Để thực hiện được ca phẫu thuật, kíp mổ đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhất là khâu gây mê. Kíp mổ trải qua 8 tiếng phẫu thuật để tách phần hàm đã dính chặt 30 năm”- bác sĩ Thái nhớ lại về ca bệnh đặc biệt.
Các bác sĩ đã mất cả ngày làm việc, cho đến tối mịt mới thở phào vì ca phẫu thuật thành công.
Ba năm nay, chị Dậu đã trở lại có thể làm được những điều hết sức bình thường, được ăn món ăn mình ưa thích, nở nụ cười với những người mình yêu quý.
Bình luận (0)