xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chuyên gia” xây cầu đáy dày

Bài và ảnh: Thốt Nốt

Chi phí thấp, rút ngắn đáng kể thời gian thi công, chiếc cầu đáy dày giúp cho hàng ngàn người dân miền Tây không còn cảnh đi qua những chiếc cầu khỉ, cầu ván thiếu an toàn

Sau cuộc điện thoại qua đường dây nóng, đầu tháng 11-2015, chúng tôi về ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tìm gặp ông Lê Văn Cư (thường gọi là Ba Đạt).

Thi công từ 4-5 ngày

Tiếp chúng tôi tại xưởng cơ khí chuyên hàn khung cầu, ông Ba Đạt vui vẻ nói: “Vì muốn phục vụ cho những “khách hàng” ở vùng sâu, vùng xa, những vùng còn sử dụng cầu ván, cầu khỉ nên tôi gọi điện đến Báo Người Lao Động nhờ hỗ trợ để có thể tiếp cận sớm với những nơi này. Xác định mục đích làm từ thiện nên ngoài chi phí mua vật tư làm cầu do người dân trong vùng đóng góp, tôi không nhận bất cứ tiền thù lao hay chi phí đi lại”.

Ông Ba Đạt (người đứng phía trước) giới thiệu chiếc cầu đáy dày do ông vừa thi công ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang
Ông Ba Đạt (người đứng phía trước) giới thiệu chiếc cầu đáy dày do ông vừa thi công ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Theo ông Ba Đạt, nếu so với các loại cầu treo, cầu đúc (bê-tông) thì làm cầu đáy dày sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và còn có thể tháo rời, sử dụng lại. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên bình quân mỗi năm ông chỉ lắp được khoảng 12-13 chiếc cầu ở An Giang và một số vùng lân cận của tỉnh Kiên Giang.

Mẫu cầu do ông thiết kế khá đơn giản, gồm hệ thống lan can đôi bằng ống thép chịu lực, cứ cách khoảng 5 tấc (50 cm) có ống thép được hàn nối với phần đáy cầu theo chiều thẳng đứng cùng với 2 thanh sắt đan chéo nhau để tạo nên hệ thống chịu lực liên hoàn. Phần mặt cầu là những thanh sắt được hàn với khoảng cách khá đều nhau và được kết chặt với phần đáy cầu. Sau khi lắp ráp sẵn khung cầu trên bờ, công việc còn lại là dùng máy kéo để kéo mỗi đầu cầu về phía bên kia bờ kênh và đặt chính xác vào bệ đỡ (mất khoảng 30 phút).

“Ưu điểm vượt trội của loại cầu này là không cần trụ đỡ hoặc có dây văng như kiểu cầu treo nên ghe, tàu qua lại thoải mái. Tùy điều kiện cụ thể ở từng địa phương, thời gian thi công chỉ khoảng 4-5 ngày. Cầu không bị rung lắc nhờ có bệ đỡ bằng bê-tông ở 2 bên đầu cầu được thiết kế dạng bậc thang. Công đoạn cuối cùng là dùng bê-tông cố định phần đầu cầu với bệ đỡ. Mặc dù chưa đủ thời gian để kiểm nghiệm về tuổi thọ của cầu nhưng tôi tin chắc nó sẽ được sử dụng từ 15-20 năm” - ông Ba Đạt tự tin nói.

Trả ơn đời

Ba Đạt cho biết quê ông ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Do gia đình nghèo, ông chỉ học xong lớp 9 là phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 1998, Ba Đạt lấy vợ, được cha mẹ cho chiếc ghe nhỏ để mưu sinh. Gần chục năm rong ruổi trên sông nước với nghề bán rau cải, vợ chồng ông mua được mảnh đất nhỏ dưới chân cầu Ninh Phước để làm chỗ buôn bán và định cư lâu dài.

Từ năm 2008, Ba Đạt tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương nhưng ước muốn lớn nhất của ông chính là làm sao để xóa hết những chiếc cầu tạm bợ ở các vùng sâu, vùng xa cho người dân đi lại được thuận lợi.

Nghĩ là làm, Ba Đạt trở về xã Bình Hòa tìm gặp những người tiên phong trong xây cầu treo nông thôn như các ông Ba Nhơn, Tư Liếu và Ba Hưng để học nghề. Sau mấy tháng ròng rã vừa học vừa làm, cuối cùng Ba Đạt cũng có đủ kiến thức để đứng ra thành lập đội xây cầu.

Một lần, ông Ba Đạt phát hiện có nhiều chiếc cầu sắt bắc qua kênh mà không cần phải có trụ đỡ hoặc dây văng, ông rất thích nhưng chỉ sau thời gian ngắn, có 2 chiếc cầu bị xiêu vẹo do lan can cầu thiết kế quá đơn giản. Sau một thời gian nghiên cứu, Ba Đạt vẽ 1 chiếc cầu sắt tương tự nhưng với lan can đôi rồi xin ý kiến những người thầy của mình. Tuy nhiên, các thầy đều cho rằng chiếc cầu dài hàng chục mét mà thi công chỉ trong vài ngày là chuyện không tưởng.

“Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Hiện 1 chiếc cầu dài 26 m, ngang 2 m do tôi vừa làm xong ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang chỉ tốn gần 30 triệu đồng. Nếu so với cầu bê-tông, chi phí chỉ bằng 1/10 và khoảng 1/3 so với cầu treo. Tôi cũng mừng là hơn 200 chiếc cầu do tôi tự thiết kế, thi công đến nay vẫn vững chãi. Gia đình tôi có được cái cơ ngơi như hôm nay chính là nhờ mọi người thương và giúp đỡ. Do vậy, việc đi sửa đường, xây cầu cũng là cách để tôi trả ơn đời” - Ba Đạt tâm sự.

Muốn nhiều người biết cách làm

Ông Ba Đạt cho biết những chiếc cầu tạm bợ ở vùng nông thôn các tỉnh ĐBSCL còn khá nhiều. Hiện có nhiều người đã thông thạo việc làm loại cầu này sau thời gian đi theo ông. “Tuy nhiên, nếu được ngành giao thông các tỉnh tổ chức những buổi hội thảo về mô hình cầu đáy dày, tôi tin sẽ có nhiều người biết đến và làm theo. Mục đích cuối cùng của tôi là muốn nhân rộng nó ra chứ không sợ bị mất bản quyền” - ông Ba Đạt kiến nghị.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo