Cần thiết quy hoạch mở rộng hẻm
Khoảng hơn 85% dân số TP HCM cư trú trong hẻm. Mở hẻm sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, giúp xây dựng thêm hệ thống đường từ những con hẻm liên thông để giảm ùn tắc…
Cứ 7 giờ sáng, hẻm 146 Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) lại chộn rộn bởi người dân tụ tập ở xe bánh mì, quán cà phê cóc. Hẻm nhỏ, nhiều nhánh, có đoạn chỉ rộng 1-2 mét, nhiều nơi bị cơi nới, kê bàn ghế nên để ra khỏi hẻm, anh Bùi Ngọc Duy (23 tuổi) phải loay hoay một hồi mới quay được đầu xe máy.
Phập phồng sống trong hẻm nhỏ
"Dắt xe ra khỏi nhà, phải nhìn trước ngó sau vì hẻm hẹp, hàng quán tấp nập, người mở tiệm tạp hóa, người bán cà phê, đâu cũng có chướng ngại vật. Có lần tôi quệt vào xe máy hàng xóm dựng trước cửa, phải đền tiền. Vài ba lần đâm tường, suýt té nhào" - anh Duy nói.
Anh Nguyễn Việt (hẻm 118 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) kể vì chuyện đậu xe máy trước nhà mà lúc nào trong xóm cũng xảy ra cự cãi. "Hẻm to thành hẻm nhỏ vì mỗi nhà lấn một tí. Chưa kể cuối tuần còn được nghe "ca sĩ nghiệp dư" hát karaoke" - anh Việt thở dài.
Luồng sâu trong các con hẻm nhỏ ở tuyến đường trung tâm thành phố, không khó ghi nhận cảnh chậu kiểng lớn, nhỏ đặt trước cửa nhà. Rồi chuyện thả chó, đặt thùng rác, để bàn ghế, dựng xe chắn lối đi, trụ điện, dây điện chằng chịt…
Nhắc đến "bà Hỏa", bà Hoa (ngụ hẻm 258 đường Nguyễn Công Trứ, quận 1) rùng mình khi nhớ lại lần cháy nhà trong hẻm 2 năm trước. Nhà hàng xóm cháy, hẻm nhỏ sâu, lực lượng phòng cháy chữa cháy phải dùng xe máy, rồi chạy bộ mới vào được hẻm và rất khó khăn mới dập được lửa.
"Cả xóm hoảng loạn, chen nhau tìm đường thoát thân. Hẻm nhỏ nên sinh hoạt hằng ngày bất tiện lắm. Nếu chính quyền mở rộng hẻm, nhiều người như tôi sẵn lòng hiến đất" - bà Hoa tâm sự.
Tương tự, bà Nguyễn Hồng (56 tuổi, đường số 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) nói cũng như bao quận huyện đã làm, hiến đất mở hẻm là bỏ cái lợi nhỏ mà được cái lợi to, dù chật chội khi mất một phần đất nhưng lâu dài giá nhà cao hơn, được tiếng thơm đóng góp cho Nhà nước đất vàng, bỏ được nỗi lo không an toàn.
"Nhưng khó là mọi người trong hẻm đều phải đồng thuận, nên công tác dân vận là rất quan trọng, cán bộ phải làm gương, kiên trì thuyết phục, hỗ trợ những hộ khó khăn. Đặc biệt phải đơn giản hóa thủ tục, chứ đã hiến đất mà còn phiền phức thì người dân dễ "ớn" - bà Hồng nói.
Hẻm 199 Tân Phước (phường 6, quận 10) đã nhỏ, xe máy lại dựng tràn lan trước cửa nhà.Ảnh: Anh Vũ
Mở hẻm, đời sống đổi thay
Chiều đến, người dân sống tại con hẻm 16/47 Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3) lại chứng kiến "giải đua xe đạp mở rộng" của các vận động viên "nhí". Trên chiếc xe đạp mini, trẻ em dạo chơi từ đầu đến cuối hẻm, tiếng nói cười rộn vang một góc trời. Ông Võ Đức Minh và ông Trần Văn Dũng mỗi chiều đặt 2 chiếc ghế nhựa trước nhà, vừa ngồi nhìn ngắm trẻ nhỏ chơi đùa vừa hàn huyên tâm sự.
"Lúc trước con hẻm rộng khoảng 3 mét, giờ rộng 5 mét. Cùng với đó là hệ thống cống thoát nước cũng được làm mới, đường dây điện ngầm hóa. Từ ngày mở hẻm, người dân ở đây đồng lòng giữ gìn con hẻm sạch đẹp, nhiều nhà mở công ty, làm văn phòng cho thuê, diện mạo con hẻm và đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Mấy năm trước, nhà trong hẻm này khoảng 4 tỉ đồng, hẻm được mở rộng, giá nhà giờ đã 7-8 tỉ đồng. Nhưng không phải cứ có tiền là mua được đâu" - ông Minh nói.
Con hẻm 162 Phan Đăng Lưu (phường 3, quận Phú Nhuận) được mở rộng trong năm 2017. Sống tại đây gần 60 năm, bà Lương Thị Lan chứng kiến gần như toàn bộ sự thay đổi của con hẻm này. "Trước đây, con hẻm vừa nhỏ vừa xấu. Bê tông thì bể thành từng mảng, mạnh nhà ai người nấy trám lại nên rất nham nhở. Con hẻm được mở rộng, nhà mình chật hẹp chút nhưng bù lại đường xá thông thoáng, rộng rãi. Người ốm đau cần đi bệnh viện thì xe cấp cứu vào tận nơi chở đi" - bà Lan nói.
Hẻm 85 Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3) được mở rộng từ năm 2017, bà Lê Thị Dung cho biết: "Do sống trong con hẻm chật chội, luôn lo lắng cháy nổ, các hộ dân bàn bạc và thống nhất làm đơn kiến nghị lên phường. Cũng phải mất nhiều năm, con hẻm mới chính thức được mở rộng. Từ đó, cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày. Từ những căn nhà lụp xụp, giờ đây ai cũng cố gắng sửa sang nhà cho khang trang. Nhìn thích lắm".
Để người dân yên tâm hiến đất
Theo bà Lương Thị Lan (ngụ hẻm 162 Phan Đăng Lưu), sau khi hiến đất mở rộng hẻm, nhà con gái bà từ 16 m2 giảm xuống còn 12,8 m2 nên phải xây lên 2 lầu, kinh phí lên đến hơn 200 triệu đồng, địa phương chỉ hỗ trợ 23 triệu đồng.
"Khi hiến đất mở rộng hẻm, chúng tôi phải sửa lại nhà. Nhà nước nên có chính sách cho người dân vay mượn tiền với lãi suất thấp để xây dựng hoặc sửa nhà thì họ mới yên tâm, sẵn sàng hiến đất mở rộng hẻm" - bà Lan góp ý.
Hẻm 64 Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7) vừa được mở rộng cách đây không lâu, gia đình bà Võ Thị Lan là một trong những hộ đầu tiên hưởng ứng việc hiến đất mở rộng hẻm. Tuy nhiên, có những gia đình không đồng ý hiến đất nên hẻm chỗ rộng, chỗ hẹp. "Đã làm thì phải công bằng. Nếu nhà nào không đồng ý, chính quyền phải có biện pháp xử lý, thực hiện sao cho đồng bộ" - bà Lan kiến nghị.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Kim Thoa (ngụ hẻm 122 Tôn Đản, quận 4) cho rằng hẻm nhỏ là đặc trưng của TP HCM, người dân đã quen, hơn nữa muốn mở cũng rất khó. "Như diện tích đất nhà tôi chỉ có hơn 9 m2, giờ mà hiến đất mở hẻm thì mất trắng căn nhà" - bà Thoa nói.
Tương tự, hẻm 71 Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) chỉ rộng chừng 3 mét, nhấp nhô, xe đi lại rất khó khăn nhưng vận động mở rộng hẻm rất khó vì nhiều gia đình không chấp nhận. "Chỉ cần chính quyền dọn dẹp bồn hoa cây cảnh, ghế đá để hẻm đủ rộng, lưu thông thuận tiện là tốt rồi" - chị Lương Thị Thơ nói.
Bình luận (0)