Căn nhà lụp xụp của bà Lê Thị Nghĩa (61 tuổi) nằm lọt thỏm giữa khu mộ Tương tế Thánh Minh, thuộc phần 12 ha của nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM). Dọn vào ở năm 1990, tính đến nay đã có 3 thập kỷ sống cùng người đã khuất, cũng ngần ấy năm, số khách đến nhà bà chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiếm có khách đến nhà vì họ sợ cảnh hoang lạnh trong nghĩa trang và ám ảnh vô số kim tiêm từ người nghiện.
Kỳ vọng khu đất sẽ phát triển
Từ lúc nghĩa trang Bình Hưng Hòa tạm ngưng chôn cất và chính quyền đẩy mạnh công tác di dời, giải tỏa mộ, diện mạo nơi đây bắt đầu thay đổi. Bước ra khỏi đường Bình Long hướng về khu đô thị phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) trong bán kính chưa đến 3 km có 3 đại siêu thị; xa xa là mấy tòa nhà chung cư cao tầng... Chỉ tay vào khu đất từng chi chít mộ, bà Nghĩa nói: "Khu này có hơn 16.000 phần mộ, giờ chỉ còn rất ít những phần mộ vô danh, không có thân nhân. Qua Tết, gia đình tôi dọn về nơi ở mới, những phần mộ này cũng được bốc đi. Hy vọng khu đất đang chuẩn bị giải tỏa này rồi sẽ phát triển, đầy đủ tiện ích hơn".
Đu đưa chiếc võng giữa những nhà mồ đổ nát, ông Nguyễn Văn Hẹn (66 tuổi) chỉ tay về những tòa nhà cao tầng, cách nơi ông nằm chừng 500 m: "Bên đó trước kia cũng hoang lạnh như nơi đây. Mới mấy năm đã thay đổi. Chỗ tôi đang nằm đây có ông bạn (người đã mất - PV) vừa được gia đình bốc mộ tuần rồi. Người chết đã đi rồi, người sống qua Tết cũng dọn theo. Nơi đây rồi cũng sẽ thay đổi, sầm uất như bên đó". Ông Hẹn cho biết số tiền đền bù không đủ mua căn hộ mới nhưng gia đình ông vẫn muốn dọn đi với ước vọng về nơi ở mới chất lượng cuộc sống tốt hơn, kinh tế cũng khấm khá hơn.
Khu 12 ha thuộc nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP HCM) giải tỏa gần hết các ngôi mộ
Sớm thay đổi diện mạo
Theo UBND quận Bình Tân, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có khoảng 100.000 ngôi mộ, xung quanh bao bọc khu dân cư. Hơn 10 năm giải tỏa, hiện chỉ còn 1.954 mộ chưa có thân nhân đăng ký di dời (chiếm 10%). Sau ngày 30-4-2021, nếu không có người đăng ký, chính quyền sẽ tiến hành bốc mộ vắng chủ. Trong quá trình đó, sẽ chụp ảnh, ghi chép bằng hệ thống vệ tinh và lưu trữ số. Những tro cốt sẽ gửi vào chùa và bảo quản chờ người thân sau này liên lạc để nhận. Hiện UBND quận đang phối hợp các sở, ngành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 18 ha quy hoạch thành khu phức hợp dân cư, thương mại. Trong đó hình thành các chung cư cao tầng với nhiều tiện ích kèm theo. Kế hoạch ban đầu toàn bộ nơi đây làm công viên cây xanh phục vụ cho 300.000 dân cư xung quanh. Do dự án kéo dài và kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng nên phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm cân đối ngân sách.
"Năm 2021, sẽ thúc đẩy nhanh dự án để nơi đây sớm thay đổi diện mạo. Các phần mộ đã tạm ngưng chôn cất hơn 10 năm nên không còn lo ngại nhiều về vấn đề môi trường. Ngoài ra, sau khi di dời xong các phần mộ sẽ tiếp tục rà soát thêm nhiều bước để bảo đảm khu đất không còn phần mộ nào. Việc xây dựng khu thương mại, chung cư chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích. Phần lớn còn lại làm công viên công cộng phục vụ cho người dân" - lãnh đạo UBND quận Bình Tân thông tin.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, cho biết việc bốc mộ di dời được thực hiện từ năm 2014. Giai đoạn 1, việc giải tỏa 12 ha gần như hoàn thiện. Giai đoạn 2, hiện chính quyền kêu gọi thân nhân 6.880 mộ bị ảnh hưởng chưa có đăng ký kê khai, bốc mộ, gồm các nghĩa trang Giáo xứ Đức Mẹ A, Thượng Nông, Vụ Bản, Hiếu Nghĩa, Sáu Liễu, Tân Việt, Khu 85, Ngọc Cụt, Nam Thái, một phần nghĩa trang Bắc Việt, một phần nghĩa trang Chín Lý (Nguyễn Thị Lý), nghĩa trang Chín Hoàng (Trương Văn Hoàng), một phần nghĩa trang Hai Bì (Nguyễn Văn Bì), nghĩa trang Giáo xứ An Lạc, nghĩa trang Út Tre (Võ Văn Tre), nghĩa trang Hai Cờ (Võ Văn Cờ), nghĩa trang Chín Láy (Trần Văn Láy), nghĩa trang Tư nhân Chánh (Trần Văn Chánh), nghĩa trang Vân Chàng, nghĩa trang Văn Ấp…
Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Thẩm định bất động sản Review, cho biết trong 5 năm qua, giá đất khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa tăng nhanh, đặc biệt các tuyến đường giáp ranh như Kênh Nước Đen, Gò Dầu, Bình Long, Tân Kỳ Tân Quý… từng có thời điểm lên đến 105-120 triệu đồng/m2.
"Khu vực này tăng giá là quy luật tất yếu khi chỉnh trang lại đô thị. Đặc biệt, khu phức hợp thuộc dự án Khu đô thị Celadon City tạo thành nơi đáng sống. Nhu cầu nhà ở tại TP rất cao nên việc hình thành khu dân cư trên đất nghĩa trang cũng không gây tâm lý ái ngại, hơn nữa khu vực này đang đầu tư hạ tầng rất lớn" - bà Hà nói. Cũng theo bà Hà, TP HCM từng giải tỏa hai khu nghĩa trang lớn, sau này trở thành khu sầm uất là công viên Lê Văn Tám (quận 1) và Công viên Lê Thị Riêng (quận 10).
Đấu giá quyền sử dụng đất 18 ha
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nghĩa trang Bình Hưng Hòa ngưng chôn cất vào năm 2007 và chính thức bốc mộ, di dời vào năm 2014. Tổng diện tích hơn 60 ha, thuộc 2 phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Theo quy hoạch, sử dụng 20 ha làm khu phức hợp và thương mại, trong đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 18 ha (12 ha dùng làm trung tâm thương mại, 8 ha dùng làm khu phức hợp: công viên, nhà ở, chung cư cao và thấp tầng).
Hiện tại dự án đang giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất. Trước khi xây dựng sẽ có đơn vị thẩm định nhằm bảo đảm an toàn về môi trường và nguồn nước ngầm tại đây.
Bình luận (0)