Clip Biệt đội cựu chiến binh vá đường
Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến "đại bản doanh" của biệt đội cựu chiến binh chuyên làm chuyện "bao đồng" nhưng khiến nhiều người phải thán phục.
“Biệt đội cựu chiến binh vá đường” hội ý trước khi đi vá, dặm đường
Chia sẻ với chúng tôi, ông Liêu Văn Phát (77 tuổi) - Chi hội phó Chi hội Cựu Chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - cho biết chi hội có 59 hội viên, đa phần là những người trước đó công tác tại nhiều đơn vị khác nhau trong tỉnh. Sau khi về hưu, mọi người trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình.
Ông Liêu Văn Phát cho xi măng vào phần lộ, chuẩn bị vá để tăng độ kết dính
Khi quê nhà được nhà nước triển khai đầu tư những con lộ giao thông "hoành tráng", người dân không giấu được niềm vui và hạnh phúc. Lộ đến tận nhà giúp việc di chuyển, trao đổi hàng hóa của nhân dân trở nên dễ dàng hơn.
Những cựu chiến binh sức khỏe đã yếu do lớn tuổi khiêng bao cát nặng đến khom lưng
Song, theo thời gian những con lộ dần xuống cấp, ngày càng xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ voi". Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như luôn đặt người và phương tiện giao thông vào tình huống nguy hiểm do nguy cơ tai nạn luôn rình rập.
“Biệt đội cựu chiến binh vá đường” chung tay làm chuyện “bao đồng”
Lúc này, ông Phát nảy ra ý tưởng sẽ cùng đồng đội dặm, vá "ổ gà, ổ voi" trên những con đường xuống cấp tại địa phương. Năm 2015, sau thời gian bàn bạc, ông Phát cùng đồng đội đã thành lập "Biệt đội cựu chiến binh vá đường" với 12 thành viên.
Cựu chiến binh Châu Thanh Hiệp (71 tuổi) cho hay khi nghe ý tưởng trên, các hội viên trong chi hội đều tán thành và biến suy nghĩ trên thành việc làm cụ thể. Theo đó, để có kinh phí hoạt động, mỗi hội viên tự nguyện trích 30.000 đồng từ khoản lương hưu để mua vật tư vá lộ.
"Lúc đầu, nhiều người không hiểu cho rằng chúng tôi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" hay "lo chuyện bao đồng". Đặc biệt, có người còn cười cợt hay nói những lời mỉa mai. Những lúc như vậy, anh em tôi bỏ ngoài tai để tiếp tục làm công việc vì từ đầu tất cả xác định đây là công việc vì cộng đồng chứ không phải làm lấy tiếng", ông Hiệp nhớ lại.
Ông Hiệp dùng cây làm biển cảnh báo đường vừa và vừa rửa dụng cụ
Bất cứ tuyến lộ giao thông nơi đâu trong ấp xuất hiện "ổ gà, ổ voi", "Biệt đội cựu chiến binh vá đường" của ông Phát lại mang theo xi măng, cát, đá… trên chiếc xe rùa di chuyển đến "điểm nóng" để dặm, vá. Qua đây, những người cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông mong muốn góp phần cùng ngành chức năng đảm bảo an toàn cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi để con đường đến trường của các em học sinh được dễ dàng.
Trước đó, vì lo cho sức khỏe các cụ nên đa phần người thân đều không tán đồng ý nghĩ trên. Bởi đây là công việc nặng nhọc, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai. Song, với mong muốn "sống là cho đi" nên những người cựu chiến binh này đã thuyết phục người thân người thân trở thành hậu phương vững chắc để tiếp tục làm những công việc ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội.
Hình ảnh những ông cụ tuổi ngoài 70 khom lưng chung tay khiêng từng bao xi măng, cát đá để vá đường khiến nhiều người không khỏi cảm động và thán phục. "Tôi và nhiều người lưu thông qua đây đều cảm thấy biết ơn và trân quý những việc làm đầy ý nghĩa của các cụ. Những người lính ấy mang đậm khí chất của người bộ đội cụ Hồ", anh Nguyễn Hoàng Tâm bộc bạch.
Giờ đây, trên con đường làm việc tử tế, các cụ không còn đơn độc bởi "Biệt đội cựu chiến binh vá đường" luôn được sự ủng hộ của các ngành chức năng, mạnh thường quân và sự đồng hành của người dân.
Theo lời ông Năm Hữu, trước đó mỗi khi vá lộ, mọi người trong nhóm phải mang theo nước trộn hồ, còn giờ thì vá lộ ở đâu thì xin dân ở đó. Thấu hiểu việc làm trên, nhiều người ngoài phụ các cụ vá lộ còn ủng hộ nước giải khát. Tuy chỉ là những lời động viên, hay những ly trà đá cũng đủ để những người cựu chiến binh cảm thấy ấm lòng.
"Khi vá lộ, nhiều người đi đường dừng lại hỏi thăm, động viên. Đặc biệt, có người còn ủng hộ 100.000 đồng để mua vật tư vá đường. Tuy nhóm từ chối nhưng những người này nhất quyết gửi ủng hộ. Số tiền trên tuy không lớn nhưng anh em tôi rất trân trọng và đưa vào quỹ để tiếp tục đi vá lộ", ông Phát cười nói.
Hơn 5 năm qua, những người cựu chiến binh trong "Biệt đội cựu chiến binh vá đường" ở ấp Tấn Ngọc Đông không nhớ đã dặm, vá bao nhiêu "ổ gà, ổ voi".
Sinh, lão bệnh, tử là quy luật tất yếu trong cuộc đời mà không ai tránh khỏi, dẫu 3 người đồng đội trong nhóm vá đường của ông Phát đã ra đi mãi. Song, các cụ khẳng định sẽ gắn bó với công việc trên cho đến khi sức khỏe không còn cho phép.
Tấm gương sáng
Ông Lê Minh Vui, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh cho biết việc làm của các cựu chiến binh là tấm gương sáng để ngành chức năng và người dân noi theo.
"Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực. Thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trên để mọi người cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Khi phong trào được lan tỏa những tuyến lộ giao thông sẽ trở nên đẹp và an toàn hơn", ông Vui khẳng định.
Bình luận (0)