Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp ngăn chặn nạn vứt rác bừa bãi, phổ biến nhất là phạt tiền.
Phạt ngay lập tức
Chính quyền Anh thực hiện biện pháp trừng phạt tại chỗ đối với những hành vi như vứt rác, tàn thuốc, tờ rơi, phân vật nuôi... ở nơi công cộng. Bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm, đội tuần tra sẽ viết phiếu phạt tại chỗ và tiền phạt phải được thanh toán trong vòng 14 ngày. Nếu không nộp phạt, người vi phạm có thể bị truy tố hoặc triệu tập ra tòa. Theo tờ The Sun (Anh), mức phạt hiện nay đã tăng lên 150 bảng Anh (khoảng 209 USD), gấp đôi so với mức cũ. Bên cạnh đó, tài xế xe cũng phải chịu trách nhiệm nếu người ngồi trong xe ném rác ra ngoài cửa xe.
Còn tại TP Haridwar - Ấn Độ, mức phạt cho hành vi vứt rác ra đường từ 100-5.000 rupee (khoảng 1,5-77 USD) đối với hành vi vứt rác trên đường. Dù vậy, cư dân Haridwar vẫn vứt rác nơi công cộng. Theo trang Times of India (Ấn Độ), hồi cuối tháng 1-2018, cơ quan giám sát Hyderabad đã cung cấp cho mỗi chủ cửa hàng 2 thùng rác đặt bên ngoài. Chương trình giữ TP sạch đẹp "Swachh Survekshan" bắt đầu ngày 4-2, bất cứ ai bị phát hiện đổ rác ra đường sẽ bị phạt.
Cũng đau đầu không kém về vấn đề rác thải, chính quyền thị trấn Nausori - Fiji đang cân nhắc mức phạt tại chỗ lên tới 100 USD đối với hành vi xả rác, tăng hơn gấp đôi so với mức 40 USD như hiện nay. Theo trang Fiji Times, bước đi trên đang được xem xét sau khi các chương trình nâng cao nhận thức, khuyến khích dọn rác và triển khai lực lượng giám sát không mấy hiệu quả.
Một trong những thành phố mạnh tay xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng phải kể đến Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất). Bất kỳ ai vứt tàn thuốc trái nơi quy định sẽ bị phạt khoảng 136 USD. Nếu bị thanh tra TP bắt gặp, mức phạt sẽ tăng gấp đôi và tăng gấp 3 trong trường hợp tái phạm.
Một người đàn ông bị nhân viên tuần tra (phải) phạt vì làm rơi bao thuốc lá hồi ở hạt Merseyside - Anh Ảnh: OTS News South Port
Dùng "kỷ luật thép"
Theo kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam (định cư tại Singapore), một đứa trẻ vừa lớn lên ở Singapore đã ý thức được hành vi xả rác là một hành động xấu. Từ đó, các ý thức này lớn dần theo năm tháng trở thành một thói quen: Khi có rác phải bỏ đúng nơi quy định.
Ở một số địa điểm du lịch Singapore, thỉnh thoảng một số nơi như cầu thang, đường xuống tàu điện ngầm xuất hiện rác. Đây chính là "sản phẩm" của những người chưa hiểu quy định xử phạt ở nước sở tại nhưng chắc chắn các camera an ninh bố trí dày đặt sẽ ghi nhận lại. Nếu là khách du lịch, khi xuất cảnh sẽ bị tạm giữ yêu cầu đóng phạt. Còn người dân tạm trú, thường trú, giấy phạt sẽ gửi về tận nơi ở. Đối với lần phạt đầu tiên, số tiền 1.000 SGD, các lần sau có thể lên đến 5.000 SGD (tương đương hơn 86 triệu đồng) và phải lao động công ích.
Nơi đây, luật pháp được xem là "kỷ luật thép", một khi xâm phạm đến vấn đề môi trường, bất kỳ ai, cũng đều bị xử phạt. Ngoài ra, còn bị các phương tiện truyền thông như báo, đài… đến ghi hình.
"Trong khi đó, tại TP HCM, điển hình là quận 1, một số lần chính quyền đi ghi nhận, xử phạt người đi vệ sinh ở nơi công cộng không đúng chỗ, xả rác bừa bãi nhưng xong rồi thôi. Nếu muốn nâng cao ý thức của người dân, theo tôi, chỉ có thể dùng biện pháp xử phạt nặng, nhất là các dịp lễ hội, tập trung đông người. Ví dụ ăn uống xả rác phải bị phạt ngay lập tức, người khác thấy thế sẽ không dám vi phạm" - ông Nam nói.
Còn luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) kể năm 2017, ông và gia đình có dịp đến TP Pattaya, Thái Lan. Tại đây, có một tuyến phố Tây giống Bùi Viện, hai bên đường đầy các quán ăn đường phố. Điều lạ kỳ, không hề tìm thấy rác như ở Việt Nam.
"Điều mà cả gia đình tôi bất ngờ chính là nhìn thấy một viên cảnh sát địa phương ngoài việc đứng bảo đảm an ninh trật tự thì người này cũng cắm cúi nhặt rác bởi những du khách vô tình làm rớt và sau đó nhắc nhở. Riêng những người không phải là khách du lịch sẽ bị bắt phạt. Hành động này cho thấy lực lượng chức năng thực hiện công tác tuyên truyền một cách hiệu quả bằng việc hành động trước rồi nhắc nhở sau. Ngoài ra, xử lý những người trong nước hiểu luật nhưng vi phạm" - luật sư Minh kể lại.
Hạn chế thùng rác ở công cộng
Từng có nhiều năm công tác tại Đài Loan, Trung Quốc, anh Phạm Ngọc Hùng (ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) nhìn nhận ở các tuyến phố những nơi này rất ít có thùng rác.
"Ít thùng rác để thay đổi thói quen của người dân. Trước khi mua sắm mọi người sẽ đắn đo có nên dùng túi ni-lông, bọc giấy nhiều hay không vì mỗi lần đi vứt rác rất bất tiện. Phải đi bộ xa và tìm khu vực tập kết rác" - anh Hùng nói.
Bình luận (0)