Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động tiếp nhận nhiều thắc mắc, khiếu nại liên quan đến việc mua bán, thuê lại nhà từ người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước bằng giấy tay.
Mua bán không hợp lệ
Bức xúc gọi điện thoại cho Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị T. (ngụ quận 8, TP HCM) kể năm 1990, ông Ngô Mùi thuê 194 m2 tại khu nhà đất số 68B Ba Đình (phường 10, quận 8) thuộc sở hữu nhà nước để làm xưởng sản xuất nhôm. Đến năm 2006, ông Mùi bán một phần diện tích khu đất này bằng giấy tay cho bà T.
Khi xảy ra tranh chấp, do hợp đồng mua bán không hợp lệ, tòa án đã tuyên hủy giao dịch mua bán, buộc ông Mùi trả lại đúng số tiền ban đầu (không tính lãi). Bà T. cũng không được thanh toán chi phí xây dựng, sửa chữa nhà.
Một trường hợp điển hình khác là ông Lương Tô Hà, được chuyển quyền thuê sử dụng căn nhà 44 Phú Hữu (phường 14, quận 5, TP HCM; diện tích sử dụng 146,53 m2, thuộc sở hữu nhà nước) từ ông Lương Cẩm theo quyết định của UBND quận 5. Sau đó, ông Hà đã mua 30 m2 theo Nghị định 61/CP. Phần diện tích còn lại, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 tiếp tục ký hợp đồng cho ông Hà đứng tên thuê.
Sau khi ông Hà đi làm ăn xa trở về, căn nhà 44 Phú Hữu đã bị ông Phạm Kim Tấn (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chiếm dụng. Theo ông Tấn, căn nhà được ông mua từ ông Lương Văn Thành (con ông Lương Cẩm, quốc tịch Trung Quốc, nay đã chết). Ông Hà khiếu nại khắp nơi. Mới đây, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 đã yêu cầu ông Tấn giao trả căn nhà 44 Phú Hữu cho ông Hà.
Chấm dứt hợp đồng thuê
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Quản lý nhà và Công sở, Sở Xây dựng TP HCM - trường hợp thuê nhà của nhà nước sau đó bán hoặc cho thuê lại xảy ra khá nhiều. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Cụ thể, cơ quan nhà nước sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong các trường hợp: bên thuê nhà không còn thuộc đối tượng được tiếp tục thuê nhà ở; bên thuê nhà chết mà không có ai trong hộ gia đình (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con) đang cùng chung sống. Đối với nhà ở công vụ mà người đang thuê nhà ở chết, bên cho thuê được quyền chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở. Ngoài ra, khi bên thuê, thuê mua không trả tiền thuê nhà liên tục trong 3 tháng mà không có lý do chính đáng; tự ý sửa chữa, đục phá kết cấu, cải tạo hoặc cơi nới nhà ở thuê, thuê mua; tự ý chuyển quyền thuê, thuê mua cho người khác… cũng bị chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Ông Hải cho biết theo điều 14 Nghị định 34 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đối tượng được thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là người đang thực tế thuê nhà và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó.
Những trường hợp người thuê nhà ở cũ
Theo Nghị định 34, người thuê nhà ở cũ phải thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Đang thực tế sử dụng nhà ở và có tên trong hợp đồng thuê nhà thì không phải ký lại hợp đồng thuê nhà, trừ trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn và các bên phải ký lại hợp đồng theo quy định. 2. Đang thực tế sử dụng nhà ở và không có tên trong hợp đồng thuê nhà ở nhưng có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở thì phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở. 3. Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở mà không có tên trong hợp đồng thuê nhà và không có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở, nhà đó không có tranh chấp thì phải được cơ quan quản lý chấp thuận bằng văn bản và phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở.
Bình luận (0)