Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là một xã bãi ngang, đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào nghề đi biển và buôn bán hải sản. Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ gia đình tại địa phương này có cuộc sống rất khá giả, thậm chí nhà cao cửa rộng nhưng vẫn là "hộ cận nghèo".
Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra
Lý giải về việc này, nhiều gia đình cho biết vào hộ cận nghèo để được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hưởng chế độ vay vốn của ngân hàng chính sách. Cụ thể, hộ ông Bùi Anh Ngọt (đang xây nhà 3 tầng); hộ anh Bùi Văn Kiên (có nhà 2 tầng, nội thất khang trang); hộ anh Đinh Văn Tài (chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ gần 1 tỉ đồng, có nhà mái bằng, có xe máy SH để đi...).
Chị Trần Thị Ánh (vợ anh Tài) khẳng định gia đình không khó khăn, khi nhà nước hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, nhà chị Ánh được hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng gia đình làm đơ không nhận. Việc vào "hộ cận nghèo", theo lý giải của chị Ánh là để được hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách mua sắm tàu cá.
Qua nắm bắt, UBND xã Quảng Nham có tới 26 hộ cận nghèo nhưng có kinh tế khá giả. Trong khi đó, cũng tại thôn Hòa và nhiều thôn khác của xã Quảng Nham, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự lại không được bình xét vào hộ nghèo, hộ cận nghèo, như gia đình bà Lê Thị Thúy, Vũ Đại Thảo, Trần Văn Hải, Trần Thị Thanh...
Hộ gia đình ông Bùi Anh Ngọt đang xây dựng căn nhà 3 tầng khang trang nhưng lại là hộ cận nghèo
Gia đình bà Lê Thị Thúy (55 tuổi) có 5 nhân khẩu, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề đi biển của người chồng và công việc bán hàng rau, quả ở chợ của bà Thúy. Vừa rồi, dịch Covid-19, bà Thúy phải nghỉ buôn bán. Sau đó, chồng bà mất, con trai út bị tai nạn giao thông nằm một chỗ, cuộc sống thật sự rất khó khăn. "Gia đình tôi trước đây cũng là hộ cận nghèo nhưng đã bị cắt mấy năm nay. Gần đây, cuộc sống khó khăn quá, nhiều lần tôi xin được vào hộ cận nghèo mong được hưởng chính sách mà vẫn không được. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình trong xã giàu có, đeo đầy vàng đi nhận hỗ trợ" - bà Thúy thở dài cho biết.
Tương tự, tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, việc bình xét hộ cận nghèo cũng có nhiều bất thường. Cụ thể, theo báo cáo, xã này có khoảng 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu nhưng có tới 675 hộ cận nghèo/3.012 nhân khẩu. Cộng với 35 hộ nghèo thì địa phương này có tới 1/3 số hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong khi xã này đạt chuẩn nông thôn mới đã nhiều năm nay.
Sẽ rà soát lại
Ông Phạm Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, thừa nhận năm 2019, số hộ cận nghèo tăng lên khoảng 300 hộ. Việc tăng này là do nhiều hộ nghèo đã chuyển thành hộ cận nghèo và nhiều hộ mới do các thôn, xóm bình bầu đưa lên. "Việc bình xét là do thôn xóm, chúng tôi có ban kiểm tra thẩm định, chấm điểm. Xã chúng tôi ở ven biển, có thể năm nay khá giả nhưng đi biển gặp rủi ro lại trở thành nghèo khó. Vì vậy, việc tăng giảm cũng là điều dễ hiểu" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trong đợt chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19, có 303 khẩu là hộ cận nghèo đang phải rà soát lại, vì trong số này có 26 hộ có cuộc sống khá giả và nhiều trường hợp đã tách hộ, hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống. "Nếu không bảo đảm tiêu chí, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi hộ cận nghèo" - ông Dũng khẳng định.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Quảng Nham, thừa nhận việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương còn nhiều bất cập, có nhiều hộ kinh tế khá giả nhưng lại thuộc hộ cận nghèo, nhiều người khó khăn thực sự lại không được. "Sắp tới đây, xã sẽ rà soát và kiến nghị người nào bảo đảm tiêu chí thì bổ sung vào, người không xứng đáng thì cho ra để bảo đảm sự công bằng" - ông Lờ nói.
Đi tù vẫn được chi trả tiền Covid-19
Chiều 18-5, một lãnh đạo Đảng ủy xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương cho biết trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, tại địa phương xảy ra 1 trường hợp đang thụ lý tù giam vẫn được chi trả tiền. Cụ thể, năm 2019, Bùi Văn Hải (SN 1993; ngụ thôn Thủ Đức, xã Tiên Trang) gây rối trật tự công cộng, tháng 4-2020, tòa tuyên phạt Hải 27 tháng tù. Tuy nhiên, gần đây Hải vẫn được nhận 750.000 đồng tiền hỗ trợ do bố mẹ Hải thuộc diện hộ cận nghèo. "Gia đình Hải đã đem tiền tới trả lại. Cái này do sơ suất của cán bộ thôn trong quá trình rà soát danh sách" - vị lãnh đạo này thông tin.
Những người "nghèo" lòng tự trọng
Nhìn những ngôi nhà khang trang, to đẹp, trị giá cả tỉ đồng nhưng chủ nhân của nó nằm trong diện hộ cận nghèo; đặc biệt nhiều hộ của lãnh đạo xã (ví dụ xã Yên Thọ, huyện Yên Định; xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa... đều thuộc diện khá giả) "lạc" vào danh sách hộ cận nghèo khiến dư luận không thể không tức giận. Bởi đây chính là hình thức "ăn chặn" tiền của người nghèo.
"Gia đình khá giả, nhà xây bạc tỉ, lẽ nào không có vài ba trăm ngàn đồng để mua BHYT, sao phải giành suất của người nghèo? Chẳng qua là tham lam, muốn trục lợi tiền chính sách" - bạn đọc Trần Văn Hoàng viết.
Còn bạn đọc Thế An thì cho rằng thật đáng xấu hổ cho những cán bộ "nghèo" lòng tự trọng khi đưa người nhà vào danh sách hộ cận nghèo. Cần phải thanh, kiểm tra thật kỹ những khuất tất này và xử lý nghiêm.
Trong khi đó, bạn đọc Hòa Nguyễn nhận định không riêng gì mấy xã ở Thanh Hóa mà một số tỉnh, thành khác cũng có thể xảy ra tình trạng này, cần tổng thanh, kiểm tra trên cả nước để phát hiện và kịp thời xử lý.
Nhiều bạn đọc nhận định hành động trục lợi như trên đã ảnh hưởng đến các chính sách tốt đẹp của Chính phủ; phải xử lý nghiêm để đem lại niềm tin cho nhân dân.
Đức Huy
Bình luận (0)