Mùng 1 Tết, tôi ngồi uống cà phê với mấy ông bạn hàng xóm. Họ đều làm kinh doanh nhỏ và thành đạt trong cuộc sống. Có ông than vãn: "Vợ tôi cứ đòi đi nước ngoài các ông ạ".
Nhiều người hưởng ứng. Họ đưa ra các quan điểm của mình. Nào là: thờ cúng quanh năm chứ đâu riêng dịp Tết, báo hiếu cha mẹ thì lúc nào chẳng làm? Tết cúng giao thừa rồi đi xả hơi, cả năm mới có vài ngày nghỉ.
Rồi các bạn kể, trào lưu đi du lịch "trốn Tết" đang được nhiều người yêu thích, cũng bởi họ sợ nhậu nhẹt, ăn uống. Đi đâu cũng phải nhà nọ nhà kia, rồi không thoải mái, mất cả đống thời gian chỉ để thăm nom.
Du khách Việt tham quan vườn trái cây ở Nhật Bản. Ảnh: Linh Anh
Đúng là họ có cái lý của họ. Một trong số đó là anh bạn tôi, quê ở một làng có phong trào ăn nhậu rất phát triển. Tết đến, chỉ riêng việc đi ăn cỗ hoá vàng từng nhà đã đủ mệt. Nhà nào có nhiều anh em thì cứ chia nhau hai nhà một ngày, hai bữa trưa tối. Ai cũng muốn cỗ nhà mình xịn nhất nên các loại rượu quý để cả năm được dịp trưng ra, rồi còn ép nhau uống, ai không uống bị cho là không nể mặt.
Đấy, kiểu vậy mới sinh ra trốn Tết.
Rượu chè là một nhẽ, còn một số nơi lại có kiểu so sánh địa vị và thu nhập giữa các nhà với nhau, rồi ai kiếm nhiều tiền, ai ít tiền. Còn các anh chưa vợ, chị chưa chồng lại nghe các cụ ca bài: lấy chồng/vợ chưa?
Nghe hết chuyện cánh "trốn Tết" chia sẻ, cũng thấy họ có nỗi khổ, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn có suy nghĩ không trốn Tết.
Đơn giản, đó là khoảnh khắc đẹp nhất trong năm. Thời khắc giao thoa từ năm cũ sang năm mới, đối với dân tộc ta thật thiêng liêng, ý nghĩa. Mấy chục cái Tết đã qua, cho dù nhiều người ngán ngẩm nhưng vẫn còn có những người trân trọng nó.
Với những người không thích Tết, đêm giao thừa chỉ như những đêm bình thường, vậy họ chỉ cần đi chơi hoặc đi đâu đó. Còn người thích Tết, mong Tết vẫn cứ đắm chìm trong tình cảm thân thương ấy. Chỉ cần vậy thôi đã đủ cho những người cần Tết.
Tôi vẫn nói với con nhỏ rằng, các con không cần hỏi, chỉ cần thấy bố yêu Tết thế nào thì tự các con sẽ có suy nghĩ và quan điểm của mình. Người lớn rất bận rộn, nhiều khi chỉ quan tâm đến tiền bạc hay công việc. Nhưng cứ đến Tết thì luôn để tâm hồn thoải mái, thanh thản, chỉ tập trung vào sum vầy đầm ấm. Đấy chính là sự kỳ diệu của Tết, một sự kỳ diệu bình yên nhất, giản dị nhất. Con người thường nghĩ đến những gì cao siêu, mơ ước thực hiện những điều ấy, nhưng họ cũng thường quên thứ đơn giản nhất ở sâu trong trái tim mỗi người, đó là tình thân, là gia đình.
Quả vậy, Tết chính là lúc người lớn cảm thấy mình thật nhỏ bé. Người lớn tuy có kinh nghiệm sống nhưng lại trở nên hờ hững hơn với tình cảm. Người lớn bận kiếm tiền và luôn cảm thấy mệt mỏi nên việc họ cần thư giãn cũng là điều tất nhiên. Nhưng thư giãn có nhiều cách. Có người thích thư giãn bằng du lịch thì cũng có người thèm tình thân gia đình.
Đi du lịch dịp Tết cũng đâu phải là người không thương yêu gia đình. Với tôi, Tết vẫn là dịp quây quần bên gia đình.
Bình luận (0)