"Trên đất tôi, doanh nghiệp đã xây bịt tường. Cứ thấy ở đây ai xây dựng trên đất là doanh nghiệp đều làm vậy. Doanh nghiệp lấy quyền gì mà xây tường bít lối đi của người dân? Tôi cũng đã gửi đơn yêu cầu chính quyền phải làm rõ" - anh Trần Văn Tuấn (ngụ phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phản ánh với Báo Người Lao Động.
Trên sổ đỏ thể hiện có đường
Mới đây, UBND phường Khánh Bình (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã có buổi nói chuyện giữa lãnh đạo phường, Công ty Cổ phần Sản xuất Lý Đan (Công ty Lý Đan) và người dân để giải quyết mâu thuẫn từ tranh chấp con đường bê-tông gần khu sản xuất Lý Đan (phường Khánh Bình).
Tại buổi làm việc, anh Tuấn trình bày anh có thửa đất 750 m2, lúc mua trên sổ đỏ thể hiện có đường đầy đủ và đã lên được thổ cư.
Còn theo anh Trần Quý Tám, năm 2020, anh mua một mảnh đất khoảng 300 m2 tại đây và mới xây một căn nhà cấp 4 nhưng bị Công ty Lý Đan gây khó khăn và có ý định xây tường bịt kín lối đi. Theo anh Tám, khi mua đất, anh có nghe người trong khu vực nói về tranh chấp con đường này nhưng vì thấy trên sổ đỏ thể hiện có đường bê-tông nên cứ mua, không ngờ bây giờ lại gặp rắc rối.
Bức tường được doanh nghiệp xây dựng trên con đường dẫn vào khu sản xuất, khiến người dân không có lối ra
Anh Tám cũng cho biết những ai có đất trên con đường này muốn xây nhà đều phải xin ý kiến của Công ty Lý Đan; đồng thời muốn đi trên con đường bê-tông này, phải trả 1,5 triệu đồng/m2 vì doanh nghiệp cho rằng đó là đất của họ. Tính ra anh Tám phải trả khoảng 450 triệu đồng. "Tôi có nói với họ hỗ trợ chứ tôi làm gì có tiền mà đóng, ngay cả tiền làm nhà cũng phải đi vay. Giờ tôi đang nhờ chính quyền hỗ trợ" - anh Tám nói.
Đại diện cho thửa đất của bà Thuận Kiều Nương cho rằng về nguyên tắc, người dân mua đất thì phải có con đường và sổ đỏ cũng đã thể hiện là đường bê-tông. Vì vậy, doanh nghiệp không được xây tường bít đường, chưa kể việc xây tường này không được cơ quan chức năng cho phép.
Doanh nghiệp nói đường của họ
Thông tin tại buổi làm việc, ông Đặng Hùng Cường, Phó Giám đốc Công ty Lý Đan, cho biết trước đây doanh nghiệp của ông mua khoảng 1.000 m2 đất ở khu phố Khánh Vân, phường Khánh Bình để làm con đường vào trong khu sản xuất, hiện con đường này đang phục vụ cho khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất phía trong.
Từ khi có con đường, người dân 2 bên cũng được hưởng lợi việc đi lại, một số người còn có chỗ buôn bán làm ăn. Gần đây số lượng người đến đây sinh sống ngày càng nhiều, ông Cường lo ngại sẽ xảy ra tình trạng họp chợ rồi đậu xe tràn lan trong khi mỗi ngày lượng xe container trong khu sản xuất ra vào khá nhiều, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Vì vậy, ông Cường đề nghị người dân không được dùng chung con đường nữa.
Cũng theo ông Cường, trước mặt con đường này có con mương, sau đó không hiểu bằng cách gì lại trở thành đường bê-tông. "Tôi yêu cầu ngành chức năng phải đo đạc lại để xác nhận nguồn gốc đất và làm rõ việc con mương lại biến thành đường bê-tông" - ông Cường đề nghị.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 2008, UBND huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân tại khu vực này (vị trí tại tờ bản đồ số 44) thể hiện phần đất của người dân tiếp giáp với đường đất.
Tuy nhiên, trong GCNQSDĐ mà UBND huyện Tân Uyên cấp cho ông Ninh Duy Hoằng (cũng tờ bản đồ số 44, là khu vực đường bê-tông dẫn vào Công ty Lý Đan hiện nay) vào tháng 11-2009, đường đất nói trên biến mất, thay vào đó là mương nước.
Cũng trên con đường này, vào năm 2014, UBND thị xã Tân Uyên cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Chẳn thể hiện phần đất của ông này tiếp giáp với đường đất. Thế nhưng, khi ông Chẳn chuyển nhượng phần đất này cho ông Nguyễn Văn Hán (SN 1981) vào năm 2019 thì đường đất này cũng biến mất, thay thế bằng mương.
Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Khánh Bình, khẳng định nguồn gốc đất của con đường này của Công ty Lý Đan mua, hiện tại trên bản đồ thì con đường vẫn còn nằm trong phần đất của doanh nghiệp, chưa cập nhật đường bê-tông như hiện trạng.
Theo ông Phúc, việc người dân đòi hỏi quyền lợi cho mình là chính đáng vì khi họ mua đất, trên sổ thể hiện rõ có con đường. Ông Phúc cho biết UBND phường sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc và xác định lại ranh giới rõ ràng.
Trên tinh thần hài hòa quyền lợi cho các bên, ông Phúc yêu cầu phía doanh nghiệp trước mắt phải tạo điều kiện cho người dân được đi lại trên con đường này. "Sau khi các cơ quan chức năng đo đạc, xác định ranh giới xong, mong phía doanh nghiệp có hướng bàn giao lại con đường này cho địa phương quản lý trong thời gian tới" - ông Phúc nhấn mạnh.
Thu hồi GCNQSDĐ để chỉnh lý
Để xử lý dứt điểm vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Tân Uyên và các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát.
Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tân Uyên đã làm việc với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã và UBND phường Khánh Bình vận động hộ dân bàn giao GCNQSDĐ nhằm chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; đồng thời thừa nhận việc cấp GCNQSDĐ ở đây là sai sót, vì thực tế các thửa đất này tiếp giáp mương nước rồi mới đến đường bê-tông dẫn vào Công ty Lý Đan.
Tuy nhiên, những hộ dân ở đây không chịu bàn giao sổ, cho rằng vì thấy có đường bê-tông lớn nên mới bỏ tiền dành dụm cả đời để mua, nay chỉnh lý thành đường mương nước là thiệt thòi quá lớn cho họ.
Bình luận (0)