Chỉ một thời gian ngắn, ở nhiều địa phương trên cả nước như: Điện Biên, Đồng Nai, Hải Phòng, Tiền Giang… liên tiếp xảy ra các vụ trọng án. Đặc điểm chung trong những vụ án này là hung thủ ra tay một cách tàn độc, sát hại cả gia đình nạn nhân mà nguyên nhân là do mâu thuẫn cá nhân.
Mâu thuẫn ngấm ngầm từ lâu
Mới đây nhất là vụ xảy ra ở Điện Biên. Cụ thể, khoảng 6 giờ 55 phút ngày 15-8, Công an tỉnh Điện Biên nhận được tin báo có vụ nổ súng xảy ra tại phường Mường Thanh khiến 3 người tử vong, trong đó có một người nghi là đối tượng gây án. Căn cứ vào kết quả khám xét chỗ ở và làm việc với người thân nghi phạm, sơ bộ xác định nguyên nhân gây án là do giữa nghi phạm và vợ chồng nạn nhân có mâu thuẫn trong vay nợ. Theo đó, tháng 12-2017, nghi phạm bán căn nhà của anh ta với giá 3,6 tỉ đồng, sau đó cho vợ chồng nạn nhân vay một khoản từ tiền bán nhà. Vào tháng 6-2018, nghi phạm đã nhiều lần đến đòi tiền nhưng vợ chồng nạn nhân không trả. Nghi ngờ họ cố tình không trả tiền vay và tẩu tán tài sản, nghi phạm đã đến nhà bắn chết họ rồi tự sát.
Vụ thảm sát xảy ra ở Tiền Giang khuya 12-8 khiến 3 người trong gia đình tử vong, một điều tra viên tham gia phá án cho biết trong vụ này, khi xảy ra có một người bạn của Nguyễn Đăng Khoa (nghi can) cho biết lúc hơn 12 giờ đêm có nhận tin nhắn của Khoa nói: "Tao giết vợ rồi sẽ tự sát". Do người bạn này ngủ nên không biết có tin nhắn. Đọc trên trang cá nhân của Khoa cho thấy vào tháng 5, Khoa đã có dòng tâm sự cho thấy tình cảm vợ chồng có dấu hiệu rạn nứt. Ngoài ra, trước khi vụ án xảy ra, một số người thân còn cho biết Khoa có dấu hiệu ghen tuông nhưng không ai hiểu tường tận để khuyên nhủ.
Quá trình điều tra nguyên nhân vụ án cũng cho thấy Khoa đã chuẩn bị từ trước, có thể Khoa chọn đêm 13-8 ra tay vì đêm đó cha vợ Khoa đi nuôi bệnh ở bệnh viện. Điều này cho thấy mâu thuẫn cũng đã ngấm ngầm từ lâu chứ không phải mới phát sinh mà gây án.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ thảm án ở Tiền Giang. Ảnh: MINH SƠN
Có thể ngăn chặn
PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm, cho biết những vụ giết người nghiêm trọng xuất phát từ các mâu thuẫn, xung đột thường ngày trong sinh hoạt, công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm… Những đối tượng gây ra vụ án có quan hệ với các nạn nhân trong môi trường rất phức tạp và nguy cơ tiềm ẩn những hành vi tiêu cực.
"Qua nghiên cứu, đặc điểm chung là các đối tượng gây án đều có nền tảng kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày khi bị kích động, họ thường không có kỹ năng xử lý mà sử dụng bản năng dẫn tới hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát" - ông Thìn nhận định.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày càng phức tạp, ông Thìn cho rằng cần nhiều giải pháp lâu dài và kiên trì. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân...; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, pháp luật trong nhà trường; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Ngoài ra, người dân cũng cần loại trừ các môi trường bất lợi dẫn tới các hành vi tiêu cực, kỹ năng giải quyết và cảnh giác các hành vi phương thức của tội phạm.
Vun trồng, nuôi dưỡng việc tốt
Theo thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân, quá trình phát triển kinh tế kéo theo những thay đổi nhất định trong mối quan hệ giữa con người với con người. Trong bối cảnh hiện nay, giá trị đồng tiền trở thành thước đo trong nhận thức, ý chí không ít người, đặc biệt là giới trẻ. Khi cảm thấy lao động chân chính phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, người ta dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực như: "đi tắt", "làm chui", "đi cửa sau", thậm chí cướp giật tài sản, giết người hòng đạt mục đích mà không cần nghĩ đến hậu quả.
Để ngăn chặn cái ác, theo ông Luân, phải "vun trồng, nuôi dưỡng" việc tốt, trong đó giáo dục chính là phương thức hữu hiệu nhất. Song song đó, cơ quan thực thi pháp luật cần phát huy triệt để vai trò và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm. Quan trọng không kém, bản thân từng cá nhân cần tự giác tìm hiểu thông tin, chấp hành pháp luật.
Còn theo nguyên thẩm phán TAND Tối cao Vũ Lai Bằng, để ngăn chặn cái ác, gia đình và cộng đồng cần uốn nắn nghiêm khắc từ những hành vi sai phạm nhỏ nhất khi con em còn nhỏ tuổi, từ đó hình thành trong mỗi cá nhân ý thức, thói quen tuân thủ quy định.
D.LÂM
Bình luận (0)