Chúng tôi ra cổng, thấy một người đàn ông đang đứng cạnh chiếc xe máy có treo biển xe ôm nên tiến lại hỏi giá, đồng thời nhờ gọi thêm 1 chiếc xe ôm nữa. Người chạy xe ôm xua tay: “Không lo, chú kẹp hai được. Nhiều khi chú còn kẹp cả 3 người mà vẫn chạy ngon ơ...”. Chúng tôi lo ngại bị CSGT phạt, ông liền trấn an: “CSGT để chú lo, 2 đứa chỉ cần trả đủ tiền”. Đã khuya, nhìn quanh quất không thấy chiếc xe ôm nào khác, chúng tôi đành liều lên xe.
Đến đường Phạm Văn Đồng, một nhóm CSGT đang làm nhiệm vụ đã chặn xe chúng tôi lại. Lúc này, người xe ôm dừng xe sát vỉa hè rồi tiến lại mở lời năn nỉ, xin bỏ qua lỗi chở quá người. Anh CSGT có vẻ cương quyết ghi phiếu phạt nhưng rồi người xe ôm cứ kể lể hoàn cảnh khó khăn, năn nỉ bỏ qua, cuối cùng anh CSGT đã bỏ qua.
Trên đường đi, người xe ôm nói: “Dân xe ôm nghèo khó, chạy ăn từng bữa, tiền bạc có đâu mà phạt. Vì vậy mà dù có vi phạm cũng được bỏ qua cho, chỉ khi gặp phải người khó quá mới bị phạt...”.
Quả thật, không ít lần tôi chứng kiến cảnh xe ôm vi phạm như trên hoặc xe “mù” chở hàng cồng kềnh… nhưng thường được… ngó lơ hoặc có gọi lại cũng được bỏ qua sau màn năn nỉ. Có lẽ vì CSGT có lúc giải quyết kiểu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Thế nhưng, chính vì vậy mà rất nhiều người “lạm dụng”, bạt mạng vi phạm. Thiết nghĩ, dù là ai, đã lưu thông trên đường mà vi phạm luật giao thông đều phải bị xử phạt thật nghiêm. Có như vậy mới đưa người dân vào khuôn phép, nâng cao ý thức trong việc chấp hành, tuân thủ luật lệ giao thông.
Bình luận (0)