Thông tin học sinh Bùi Quang Huy (SN 2001; học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) treo cổ tự tử sau khi bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội một lần nữa làm dư luận phẫn nộ.
Mong manh thiện - ác
Bạn đọc Bình Đông phân tích: “Sau khi Huy bị ức hiếp, nếu gia đình, nhà trường thật sự quan tâm, thấu hiểu, công bằng; bạn bè không bàng quan, vô cảm thì sự việc đau lòng đã không xảy ra. Tiếc là những người lớn đã không tạo dựng được niềm tin đủ lớn, đủ vững chắc để Huy có thể thổ lộ nỗi lo lắng, hoang mang, xấu hổ khi bị đưa clip lên mạng, từ đó được hỗ trợ đúng cách”.
Bàn về việc vì clip bị đánh tung lên mạng khiến Huy tìm đến cái chết, nhiều bạn đọc cho rằng mạng xã hội thực sự là con dao 2 lưỡi. Nó có thể giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh, nhân gấp nhiều lần một hành động tốt nhưng cũng có thể đẩy người ta đến với cái chết nhanh nhất. Thời đại công nghệ thông tin, ai làm chủ thông tin nhiều hơn, người đó nắm lợi thế. Đưa càng nhiều hình ảnh, clip “độc” lên mạng càng nhiều càng nhanh nổi tiếng khiến cuộc chạy đua thông tin không có điểm dừng, bất chấp đạo đức, pháp luật, sự phiền toái và hậu quả mà nó mang lại cho người khác, thậm chí cho cả bản thân mình.
“Ranh giới giữa thiện và ác, giữa vô tình hay hữu ý rất mong manh. Dẫu không có bằng chứng, không hiểu rõ câu chuyện nhưng vì thấy quá nhiều like và bình luận, không ít người trong chúng ta đã sẵn sàng thêm “gạch đá”, tự cho mình quyền phán xét, dè bỉu, miệt thị người khác để có phong trào, để chứng tỏ mình hơn người. Đằng sau những lượt share, nhấn like vô cảm, lời bình cay nghiệt như thế sẽ có thêm nhiều cuộc đời bị dìm xuống địa ngục. Nạn nhân không thể thanh minh (mà nếu có thì nhiều khi còn nhận thêm gạch đá), đành ngậm đắng nuốt cay, thậm chí đi tìm cái chết. Đáng phẫn nộ hơn, ông bà, cha mẹ, anh em, con cái của họ hoàn toàn vô can cũng bị cuốn vào, cuộc sống bị đảo lộn, đau đớn” - bạn đọc Minh Hiếu bức xúc.
Bạn đọc Kim Quy lưu ý: “Chỉ vài giây thôi cũng đủ làm giọt nước tràn ly, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống, thậm chí là tính mạng của người khác. Vậy nên, hãy thận trọng trước khi share, like hay bình luận. Nếu không, sẽ có ngày bạn vô tình gây nên tội ác và phải trả giá hoặc bị ám ảnh suốt cuộc đời”.
Có thể bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) cho rằng hành vi tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Khoản 3, điều 31, Bộ Luật Dân sự nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Ngoài ra, việc tùy tiện tung clip có thể bị xử lý hình sự theo điều 226, Bộ Luật Hình sự (BLHS) nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Cá nhân quay clip rồi đưa lên mạng nhằm mục đích dằn mặt, bêu riếu, lăng mạ nạn nhân trong vụ đánh nhau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác quy định tại điều 121, BLHS. Nếu có tình tiết bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt nhằm xúc phạm danh dự người bị hại trong vụ đánh nhau thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống. Việc quay và đăng những clip nóng, mang tính chất đồi trụy lên mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (điều 253, BLHS).
Theo luật sư Hoàng Trung Kiên (Công ty Luật Thành Phố), hành vi tung clip lên mạng nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác có những dấu hiệu sau: thể hiện dưới hình thức là việc làm: quay clip rồi tung lên mạng; người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý; về khách thể: xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi này đã đủ điều kiện để cấu thành tội “Làm nhục người khác” được quy định tại điều 121 BLHS. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội làm nhục người khác. Do vậy, chỉ cần thực hiện hành vi trên thì đã có cơ sở để cấu thành tội phạm.
Bổ sung về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trên, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường - Trưởng Ban Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Hội Luật gia TP HCM - cho rằng theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP, pháp luật nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức).
“Để ngăn chặn những hành vi này, mỗi cá nhân nên sử dụng internet một cách lành mạnh. Gia đình, nhà trường cần có sự quan tâm, giáo dục học sinh. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động của các trang báo điện tử, mạng xã hội, ứng dụng thông tin...; kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ clip, thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Ngoài ra, nếu rơi vào tình huống bị người khác đe dọa hoặc đã tung clip của mình lên mạng, các cá nhân, tổ chức nên mạnh dạn đến cơ quan công an trình báo để có biện pháp xử lý; không nên tìm đến các biện pháp tiêu cực vì pháp luật luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật một cách thích đáng” - luật sư Hường lưu ý.
Dạy con biết tôn trọng người khác
Theo TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học - tội phạm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, những sang chấn tâm lý ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống các em, nhất là khi trẻ phải đối mặt những sự kiện gây căng thẳng, sợ hãi cao độ hoặc xấu hổ khi bị bêu riếu trước đám đông, bị “ném đá” tập thể của cư dân mạng.
Mỗi cá nhân được sinh ra, lớn lên trong những gia đình khác nhau nên sức chịu đựng và khả năng ứng phó với các tình huống cũng rất khác nhau. Đôi khi đối với người này là bình thường nhưng với người khác lại là tồi tệ. Biểu hiện rõ ràng nhất của chấn thương tâm lý là cảm xúc buồn bã, hay lo âu và hoảng loạn, thường thu mình, né tránh các hoạt động với người xung quanh. Về thể chất, các em dễ giật mình, mệt mỏi, khó ngủ, mất tập trung và trí nhớ kém… Vì vậy, gia đình, thầy cô phải lưu tâm, để ý, giúp các em nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi và từng bước chữa lành vết thương. Đặc biệt, ngoài việc dạy cách phòng tránh bạo lực, quan trọng nhất là gia đình phải dạy trẻ biết tôn trọng người khác. Khi biết tôn trọng người khác, các em sẽ cân nhắc trong mọi hành vi của mình.
Bình luận (0)