"Tôi mới đi một chuyến xe buýt mà hội đủ những yếu tố khiến người dân nản lòng: xe tróc sơn loang lổ, ghế ngồi hư hỏng, máy lạnh không hoạt động, máy xe nổ ầm ầm, tài xế, tiếp viên coi thường khách, trạm chờ bẩn thỉu… Mục đích phát triển xe buýt để giảm kẹt xe, tai nạn giao thông nhưng sau nhiều năm, chất lượng xe buýt dường như vẫn không tốt hơn chút nào. Phóng viên đi thực tế một lần coi tôi nói có ngoa không".
Từ phản ánh của bạn đọc Văn Thương qua đường dây nóng, chúng tôi dành trọn ngày 15-7 để đi cùng xe buýt.
Đi xe buýt tưởng đang chơi trò mạo hiểm
Tại bến xe buýt Công viên 23-9, xe buýt tấp nập ra vào trả khách và chờ đến lượt chạy. Tuy nhiên, ngoài các tuyến xe đã được nâng cấp gần đây, một số tuyến như: 65, 02, 03, 04, 12,… vẫn còn sử dụng xe cũ.
Chúng tôi chọn chuyến xe 02 (tuyến Bến Thành - Bến xe Miền Tây). Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh sàn xe đầy rác của khách bỏ lại và vé xe buýt đã xé, thành cửa sổ bám đầy bụi, máy lạnh hỏng, bên trong xe ám mùi khó chịu vì dường như lâu ngày chưa được lau dọn. Đến giờ khởi hành, tài xế loay hoay một hồi với đầu máy, tiếp viên phải làm thêm động tác phụ mới nổ máy được. Vừa xuất bến, chiếc xe rung lên bần bật kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc. Mỗi khi đi qua các gờ giảm tốc, tài xế không giảm tốc độ khiến xe buýt bị xóc, hành khách nghiêng ngả phải bám chặt tay vào thành ghế.
Xô nhựa và nhiều thứ khác vứt lung tung trên xe buýt số 19 Ảnh: LÊ TUẤN
Bước lên xe buýt số 19 đi Bến xe Miền Đông, chúng tôi ghi nhận xe quá cũ kỹ, ghế ngồi sờn cũ, trần xe cáu bẩn, rèm cửa sổ ngả sang màu đất, xô nhựa và nhiều thứ "bà rằng" khác vứt lung tung trên xe như một nhà kho. Còn trên xe buýt số 18, phụ xe ngồi gác chân lên ghế, say sưa "buôn chuyện" điện thoại. Thấy có khách mới lên xe, cô phụ xe liếc nhìn, buông một câu gọn lỏn: "6 ngàn" để thu tiền rồi tiếp tục nói chuyện điện thoại suốt chuyến đi.
Tiếp tục lên xe số 65 chạy hướng từ Bến xe An Sương về Bến Thành, cũng như những chiếc xe trước, xe này cũng cũ nát, nội thất hư hỏng gần hết. Giữa cái nắng ban trưa, bên trong xe buýt nóng hầm hập như phòng xông hơi. Khi xe tới gần cầu Tham Lương, một miếng nhựa che chắn máy lạnh bất ngờ rơi xuống khiến chúng tôi giật thót. Lúc này, tài xế tắt máy, rời khỏi ghế lái bước xuống nói: "Xe cũ nên thỉnh thoảng linh kiện bị rơi rụng xíu, gắn lại là xài ngon lành". Dứt lời, tài xế tháo toàn bộ tấm chắn còn lại mang xuống lề đường thổi bụi rồi mày mò gắn lại. Gần 15 phút dừng giữa đường, xe mới tiếp tục lăn bánh. Có lẽ trễ giờ, tài xế liên tục lạng lách. Đến trạm mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa, một công nhân xuống trạm, tài xế giảm tốc độ chứ không dừng hẳn khiến người này loạng choạng suýt ngã. Thấy chúng tôi nhăn nhó, một nữ công nhân ngồi bên cạnh trấn an: "Mới đi xe buýt nên chắc không quen, mấy chuyện này bình thường như cơm bữa à. Hôm nào mấy ổng trễ giờ còn phóng nhanh không thua xe đua, nhiều khi tôi đi xe buýt mà cứ tưởng đang tham gia trò chơi mạo hiểm".
Hạ tầng xuống cấp, trộm cắp giờ cao điểm
Năm 2011, các trạm thông tin xe buýt được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa do Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt lắp đặt, vận hành và khai thác quảng cáo. Vào thời điểm trên, những trạm thông tin này cung cấp biểu đồ, lịch trình, giá vé… mang lại nhiều tiện lợi cho người dân đi xe buýt. Tuy nhiên, thời gian qua, khi công nghệ phát triển, điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng tiện lợi, trạm thông tin trở nên dư thừa, bị "bỏ quên", không được bảo dưỡng cộng thêm sự thiếu ý thức của người dân nên nhiều trạm có cũng như không hoặc thay đổi công năng thành… nơi bán hàng rong, bãi rác hoặc nhà vệ sinh.
Máy lạnh hư, tài xế xe 65 phải dừng xe, tháo tấm chắn mang xuống lề đường thổi bụi Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo ghi nhận, ngay tại Bến xe buýt Công viên 23-9 có 2 màn hình điện tử hướng dẫn hành khách tìm vị trí, tuyến, trạm được đặt ở khu vực nhiều người qua lại nhưng chỉ mang tính chất trưng bày, không có giá trị sử dụng. Trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường 4, quận 5) có 4 trạm thông tin xe buýt nhưng màn hình đen như mực, thậm chí bị vỡ; khung sắt bao quanh gỉ sét, nhiều mảng tôn bao bọc rơi xuống đất. Trạm thông tin đường Nguyễn Thị Minh Khai (cạnh Bệnh viện Từ Dũ) bốc mùi nồng nặc bởi nhiều người biến nơi đây thành… nhà vệ sinh. Nhiều trạm thông tin khác trên nhiều tuyến đường bị vẽ bậy hoặc làm chỗ để đồ của những người bán hàng rong.
Các nhà chờ xe buýt cũng xuống cấp trầm trọng, không còn là nơi che nắng, che mưa cho hành khách trong lúc chờ xe. Nhà chờ trên Quốc lộ 1 (gần cầu vượt Quang Trung) như khối sắt hoen gỉ nằm bên đường, cây cỏ mọc um tùm, bảng quảng cáo phía sau thủng một lỗ lớn. Ở khu vực gần Bến xe Miền Đông, không hiếm các điểm chờ bị người dân chiếm dụng làm nơi tập kết rác thải. Một số nhà chờ khác thì biển chỉ dẫn đã mờ, không thể theo dõi được tuyến đường.
Tình trạng móc túi trên xe buýt cũng khiến nhiều người e ngại khi sử dụng. Bản thân chúng tôi khi thực hiện bài viết này cũng suýt trở thành nạn nhân trên chuyến xe buýt số 20 (từ đường Hàm Nghi về Công viên 23-9) vào chiều 15-7. Trong lúc chuẩn bị xuống bến cuối, nhiều người chen lấn, chúng tôi cảm giác bị lục lọi balô nên quay lại thì phát hiện một người đàn ông ăn mặc lịch sự đang mở ngăn kéo. Bị phát hiện, người này rụt tay lại, nhảy xuống xe đi mất. Nữ tiếp viên trên xe cho biết tình trạng móc túi thường xuyên xảy ra vào các giờ cao điểm: "Em không bị mất gì là may rồi. Mỗi khi khách lên xuống xe, tụi nó giả bộ chen lấn rồi trộm đồ. Do chúng cũng ăn mặc lịch sự lại không bắt được tận tay nên chúng tôi cũng khó biết để cảnh báo".
Còn trên chuyến xe buýt số 19, sinh viên Nguyễn Thị Thảo Phương e ngại cho biết từng bị kẻ móc túi đe dọa vì… nhiều chuyện. "Lúc đó xe dừng tại trạm Suối Tiên, tôi phát hiện người phụ nữ cố mở ngăn kéo của bạn sinh viên nên lên tiếng cảnh báo, người phụ nữ nhảy xuống xe rồi nói vọng lên: "Mày nhiều chuyện quá, coi chừng có ngày bị đánh chết" - Phương kể.
Ép mua hàng
Trưa 15-7, tại Bến xe Chợ Lớn (quận 5), chúng tôi đang lơ ngơ tìm xe buýt về Bến xe Miền Tây, một người bán hàng rong chạy lại nhiệt tình hướng dẫn lên xe buýt 09. Chúng tôi vừa lên xe, người này cũng lên theo, kỳ kèo, ép chúng tôi phải mua một món hàng. Chúng tôi từ chối, anh ta liền trở giọng: "Tao dắt đi tìm xe thì phải mua đồ, nghe không?". Chỉ khi chúng tôi mua một chai nước, anh ta mới chịu bỏ đi. Ngồi quan sát trong khi chờ xe lăn bánh, chúng tôi thấy nhiều người cũng như tôi, bị "dính bẫy" và trở thành "nạn nhân" của anh ta.Q.Chiến
Sẽ bỏ xe máy để đi buýt 5 sao
Để phục vụ hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xe buýt có chất lượng tốt để phục vụ với tiền vé cao hơn. Đơn cử xe buýt 159 (tuyến Bến xe An Sương - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Miền Đông), nội thất xe được thiết kế hiện đại với hệ thống kính chống nắng, máy lạnh, máy lọc mùi. Ngoài ra, các thiết bị bình chữa cháy, búa thoát hiểm cũng được trang bị đầy đủ. Đặc biệt, tiếp viên, tài xế luôn ân cần, lịch sự. Mỗi khi có hành khách nói chuyện lớn tiếng, họ nhẹ nhàng nhắc nhở. "Thông thường, mình không thích đi xe buýt nhưng hôm nay có việc qua sân bay, đi chuyến xe này thấy rất lịch sự, văn minh. Giá như có được nhiều xe buýt như vậy phủ khắp các tuyến, dù mắc tiền hơn một chút nhưng chắc chắn nhiều người sẽ bỏ xe máy để đi xe buýt cho an toàn" - chị Phạm Bạch Phương Thảo, hành khách tuyến 159, chia sẻ.
Ngoài ra, theo ghi nhận, nhiều chuyến xe như số 33, 8, 52, 85, 102, 103, 119, 109… cũng đã đưa hệ thống xe buýt hiện đại vào phục vụ người dân. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số hành khách, thái độ của tài xế, tiếp viên vẫn chưa được cải thiện khiến hành khách chưa thật sự thoải mái. "Tôi sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày, thấy mừng vì nhiều chuyến xe đã được nâng cấp, chất lượng hơn trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, một số tài xế, tiếp viên có thái độ phục vụ chưa thật lịch sự, văn minh. Có lần tôi quên không chuẩn bị tiền lẻ liền bị anh phụ xe la cho một trận, phải xin lỗi rối rít" - bạn Lê Quốc Bình, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, kể.Q.Chiến
Bình luận (0)