Đối mặt nhiều nguy cơ
Nguyên nhân chính dẫn đến khả năng sinh sản của voi rừng thấp là do môi trường sống bị tác động. Những năm gần đây, rừng bị tàn phá để canh tác, đường di chuyển bị chặt đứt, voi rừng phải đi vòng qua Campuchia để về VQG Yok Đôn. Môi trường sống bị thu hẹp, thức ăn khan hiếm nên voi rừng thường xuyên phá hoại cây trồng và vào tận nhà đe dọa người dân.
“Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 5 con voi rừng chết, trong đó, 3 con trưởng thành chết do bị giết và 2 voi con chết chưa rõ nguyên nhân” - ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh còn 51 con voi nhà, phần lớn làm việc trong các khu du lịch. Trước đây, sau giờ làm việc, voi được nghỉ ngơi và tự do trong rừng. Hiện nay, nuôi voi rất tốn kém nên nó chủ yếu phục vụ cho mục đích kinh doanh, làm kiệt quệ thể chất, không thể sinh sản và ngày càng lì lợm.
PGS-TS Bảo Huy, trưởng nhóm nghiên cứu dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết loài vật này cũng có tình cảm như con người, với những gì đang diễn ra thì chúng cũng bị stress. “Đàn voi có 2 con vừa bị sát hại đang trong tình trạng hoảng loạn, rất hung dữ” - ông Huy cảnh báo.
Cần có bảo hiểm
Nhiều ý kiến cho rằng phải có những quy định chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì dự án bảo tồn voi mới có thể thành công. Theo dự án, trong số 51 con voi nhà thì có 43 con đang trong độ tuổi sinh sản. Mỗi năm, những con voi này được đưa về trung tâm 2 lần, mỗi lần 15 ngày. Tất cả sẽ được thả theo bầy đàn trong diện tích 100 ha rừng tự nhiên và được trung tâm kiểm soát, thúc đẩy sinh sản. Trong khoảng thời gian này, chủ voi được trả 1 triệu đồng/ngày. Với chính sách này, chủ voi rất phấn khởi nhưng điều họ băn khoăn là không thấy đề cập những rủi ro xảy ra.
Ông Đàm Năng Long (ngụ huyện Lắk - Đắk Lắk), sở hữu 9 con voi, đặt vấn đề: “Khi tập trung, lỡ voi chết do bị săn trộm hoặc bệnh tật thì chủ voi có được đền bù không? Hiện một con voi có giá 400 - 500 triệu đồng nên chúng tôi băn khoăn khi đưa vào trung tâm”. Theo ông Long, trong khoảng thời gian voi ở trung tâm, Nhà nước cần mua bảo hiểm để chủ voi yên tâm. Ông Y Lư Buôn Nhang (ngụ huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk) thắc mắc: “Trong thời kỳ giao phối, voi đực có thể làm sẩy thai hoặc chết voi cái, theo luật tục thì chủ voi đực phải bồi thường, khi vào trung tâm thì như thế nào?”.
PGS-TS Bảo Huy cho biết trong dự án có quy định khi voi tập trung thì chủ cũng phải ở trung tâm để theo dõi và chăm sóc. “Voi chết do lỗi của bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm” - ông Huy phân tích.
Chết dần, chết mòn
New York Times, một tờ báo uy tín của Mỹ, vừa có bài viết về thực trạng đáng lo ngại và những yếu kém, tồn tại của Việt Nam trong quá trình bảo tồn các đàn voi. Bài báo cho biết chỉ một thế hệ trước, có hàng ngàn con voi di chuyển khắp núi rừng Việt Nam nhưng hiện nay, voi đã chết dần, chết mòn. Không chỉ có voi rừng mà voi nhà cũng không an toàn. Tháng 4-2011, chính quyền địa phương đã kết án chủ sở hữu voi có tên Beckham vì giết voi để lấy ngà. “Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo vệ voi nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được tài trợ và chưa có đất để triển khai” - bài báo nêu thực trạng. |
Bình luận (0)