Phố ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP HCM) chật kín người. Du khách đến đây ai nấy đều tươi tắn, hân hoan.
Năm nay, áo dài cách tân khá thoải mái cho việc đi lại nên không chỉ các bạn nữ yêu thích mà nhiều bạn nam cũng chọn loại trang phục truyền thống này để ghi lại những hình ảnh đẹp đón năm mới.
Các "ông đồ" trẻ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên
Nơi đây có khoảng 20 gian dành cho các ông đồ tặng chữ cho khách đến chơi nhưng khung cảnh đìu hiu. Anh Nguyễn Viên Thường với thâm niên 9 năm làm “ông đồ” ở Nhà Văn hóa Thanh Niên cho biết lượng khách đổ về “phố ông đồ” năm nay rất đông nhưng chủ yếu để chụp hình.
Những năm trước, các ông đồ luôn tay tặng chữ cho người đến xin nhưng năm nay khá thảnh thơi. “Mấy ngày qua, trung bình chỉ khoảng 10 người đến xin chữ, con số rất khiêm tốn so với cả trăm người mỗi ngày 5 năm về trước” – anh Thường chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ đến để chụp hình và chọn các gian hàng làm nền cho bức ảnh
Theo anh Thường, nhiều người trẻ thờ ơ với chữ nghĩa, không muốn xin chữ nhưng lại thích lấy chữ treo trên kệ để chụp hình. Nhiều bạn trẻ còn tự tiện lấy các vật dụng của gian hàng để chụp hình. “Mình cảm tưởng các gian hàng giống như để làm nền cho các bạn trẻ chụp hình” – anh Thường tâm sự .
Ngoài ra, cách trang trí của năm nay bị thương mại hóa, nhiều vị trí đẹp trở thành nơi bài trí của đơn vị tài trợ.
Ông đồ Viên Thường sửa soạn lại dụng cụ để viết chữ khi khách có nhu cầu
Mặt khác, các khóa đào tạo thư pháp ngắn hạn cũng sản sinh ra nhiều ông đồ trẻ và họ cũng có thể đăng ký mở gian hàng. Anh Thường cho biết ngày trước phải học viết trong thời gian dài, người viết phải am hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như làm vài câu thơ thì mới dám tự tin cho chữ người đến chơi. Các khóa dạy viết thư pháp hiện nay chỉ từ 3-5 tháng, kiểu viết cũng khác nhưng kiến thức thì vẫn là điều bỏ trống.
Đúng như lời anh Thường nói, các gian hàng thư pháp chủ yếu là người trẻ, hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ với cặp kính lão là thứ xa xỉ ở khu vực này.
Chữ thư pháp được viết lên đĩa bằng chất liệu đá để đáp ứng thị hiếu ngày càng thay đổi của khách hàng
Ở gian hàng của “bà đồ” Quách Thu Thanh, nhiều món đồ xinh xắn như bao lì xì, móc khóa, đĩa thư pháp,… đắt khách. Chị Thanh cho biết nhu cầu của giới trẻ bây giờ thay đổi nên phải tìm nhiều chất liệu để đáp ứng thị hiếu của họ. Nếu như ngày xưa chỉ viết trên giấy hoặc mành thì nay thư pháp có thể viết trên đủ loại chất liệu như gỗ, đá, đĩa sứ và thậm chí là vẽ 3D. Mọi người đến xin chữ về các chủ đề như sức khỏe, phúc lộc thọ, cầu bình an, viết về cha mẹ.
Các bạn trẻ tươi tắn trong trang phục áo dài cách tân đến phố ông đồ để chụp hình trước thềm năm mới
Điều khiến ông đồ Nguyễn Hữu Đăng hạnh phúc đó là có nhiều khách cũ quay lại xin chữ. Gian hàng mỗi năm một khác nhưng nhiều người thấy chữ có duyên, may mắn thì vẫn cố nhớ khuôn mặt của ông đồ hoặc vị trí cũ của năm trước.
“Điều dễ nhận thấy của những người đi xin chữ đó là họ thường ghé vào buổi chiều và rất vội vàng, thậm chí còn đội nón bảo hiểm trên đầu và nán lại trong thời gian ông đồ viết chữ. Họ trân quý nét chữ và bỏ vào hộp một cách nâng niu” – anh Đăng thổ lộ.
Ông đồ Nguyễn Hữu Đăng viết từng nét chữ cẩn thận. Với ông đồ này, niềm vui được nhân lên khi khách cũ quay lại xin chữ
Không ồn ào và đa sắc như phố ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên, phố ông đồ trước Cung Văn hóa Lao Động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai khá đơn giản về trang trí và âm thanh. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn những ông đồ tuổi đã khá cao. Lượng khách đến tham quan cũng ít nhưng lại có nhiều người thành tâm muốn xin chữ.
Người dân đến phố ông đồ trước Cung Văn hóa Lao Động mua tranh thư pháp
Chị Phạm Thị Hồng Nguyệt (ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM) dạo xem các gian hàng và quyết định xin 3 chữ phúc của “ông đồ” La Hán Vinh. Chị Nguyệt cho biết chị dành 2 chữ tặng đối tác, doanh nghiệp và dành 1 chữ treo trong nhà. "Nhiều khách hàng không cần quà cáp hay tiền bạc, cái họ cần là tri thức, tầm nhìn và cả sự tôn trọng nên mình tặng chữ thư pháp sẽ hợp hơn", chị Nguyệt nói.
Du khách nước ngoài đến tham quan phố ông đồ .....
... và chăm chú nhìn vào những nét chữ
Cách đó không xa, chị Trần Ngọc Loan (ngụ quận 12, TPHCM) ưng ý nhất với phong cách thư pháp họa của “cụ đồ” Viên Ngộ. Chị Loan đặt 2 câu đối về người thầy thuốc đã chữa bệnh và giúp đỡ chị vượt qua nhiều khó khăn.
Cụ đồ Viên Ngộ viết chữ thư pháp
“Cụ đồ” Viên Ngộ cho biết tuy lượng khách đến tham quan, mua tranh và xin chữ năm nay ít hơn năm ngoái nhưng vẫn có nhiều người đam mê với thư pháp. Ấn tượng nhất là 1 nữ bác sĩ trẻ đến tham quan và dừng lại ở gian hàng của ông rất lâu. Sau đó, người này đặt mua 10 bức về để treo trong nhà cũng như tặng người họ yêu quý. Ngoài ra, một vị giáo sư cũng nhờ ông diễn giải về ý nghĩa và đường nét của chữ rồi đặt mua một bức.
Bình luận (0)