Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 ra đời và được thực thi hơn 5 năm qua, được xem là đạo luật chuyên ngành về an toàn lao động (ATLĐ), phần nào cải thiện cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp (DN). Hàng chục điều khoản trong Luật ATVSLĐ đã được cụ thể hóa từ những quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 và được quy định chi tiết, rõ ràng hơn để cơ quan, DN áp dụng, thực hiện trong thực tiễn với mục đích nhằm tiến tới kéo giảm, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) do chủ quan.
Thực hiện không đầy đủ
Thế nhưng, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Quan sát hầu hết các vụ TNLĐ làm chết và bị thương nhiều người thời gian gần đây cho thấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp về ATLĐ trong khi thi công, xây dựng các công trình được quy định cụ thể tại Luật ATVSLĐ năm 2015.
Ngoài ra, công tác tổ chức phổ biến, huấn luyện, tuyên truyền về ATLĐ trong thi công đối với công nhân, người lao động theo quy định của Luật ATVSLĐ năm 2015 ở nhiều DN hiện còn mang tính chiếu lệ, hoặc đối phó. Thậm chí công tác đào tạo, huấn luyện an toàn cho công nhân, người lao động còn sơ sài, có DN nhiều năm liền không tiến hành huấn luyện do ngại tốn kém, mất thời gian. Do đó, công nhân, người lao động sẽ thiếu hiểu biết hoặc hoàn toàn không nhận diện được các yếu tố cũng như nguy cơ cao, nguy hiểm có thể xảy ra tức thời hoặc gây mất ATLĐ. Tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Tai nạn lao động xảy ra chiều 14-5 ở KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khiến 10 người tử vong Ảnh: Xuân Hoàng
Người làm công tác an toàn lao động chưa phù hợp
Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng hiện nay, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ một số quy định còn nhiều bất cập của pháp luật cũng như xuất phát từ thực tiễn, một số DN bố trí người làm công tác ATLĐ chưa phù hợp với quy định của pháp luật; mạng lưới, đội ngũ an toàn, vệ sinh viên trong một số DN hiện nay hoạt động mang tính hình thức, kém hiệu quả, thậm chí là yếu kém, chỉ mang tính đối phó, không phát huy được hiệu quả cũng như thực hiện nhiệm vụ ATLĐ trong DN.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể theo quy định tại điều 36 về Tổ chức bộ phận ATVSLĐ, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ năm 2015, theo đó "Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ chuyên trách...".
Ngoài ra theo quy định tại điều này, người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách quy định như trên phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có trình độ cao đẳng, đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Hoặc có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở…
Thực tế, việc bố trí người làm công tác ATLĐ cũng như lực lượng an toàn, vệ sinh viên theo chế độ bán chuyên trách trong DN hiện nay còn quá ít, thậm chí bố trí người làm công tác ATLĐ có số năm kinh nghiệm quá thấp hoặc không cần có kinh nghiệm trong khi đây là công việc, ngành nghề cần người có nhiều kinh nghiệm và trải qua thực tế mới có thể quan sát, xử trí, xử lý tình huống, sự cố một cách nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả…
Thêm nữa, việc bố trí người làm công tác ATLĐ ngoài khả năng, kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn còn phải là người có tâm và nhiệt huyết với công việc, đam mê với nghề cũng như trong công tác ATVSLĐ…
Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật
Để bảo đảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác ATVSLĐ trong DN, tiếp tục đưa những quy định của Luật ATVSLĐ năm 2015 đi vào thực tế cuộc sống, được thực hiện nghiêm, đầy đủ trong các đơn vị, DN nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất TNLĐ nghiêm trọng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác ATLĐ trong DN.
Ngoài việc tiếp tục quy định về trình độ chuyên môn kỹ thuật, cần sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành như quy định người làm công tác ATVSLĐ trong DN (chuyên trách hay bán chuyên trách) phải là người tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ, chứng nhận hành nghề công tác ATVSLĐ cũng như đã được đào tạo bài bản về ATVSLĐ khi hành nghề. Ngoài ra, những người làm công tác ATLĐ hay lực lượng, mạng lưới an toàn, vệ sinh viên lao động trong DN cần có ít nhất kinh nghiệm từ 3 năm hoặc 5 năm làm việc, thực hiện, giám sát tại các công trình thi công xây dựng có nhiều yếu tố cũng như có nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Cần có chế tài như cấm hành nghề, cấm làm công tác ATVSLĐ trong một thời gian nhất định nếu người làm công tác này để xảy ra TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan.
Bắt giam giám đốc Công ty Hà Hải Nga
Liên quan đến vụ sập tường công trình đang xây dựng tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người tử vong, ngày 25-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Huy Hải (56 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Hà Hải Nga, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều 14-5, tại khu vực thi công xây dựng nhà xưởng của Công ty AV Healthcare trong KCN Giang Điền, một bức tường cao khoảng 8 m, dài 109 m khi đang được thi công đã bất ngờ đổ ập xuống. Thời điểm này, tại đây có khoảng 50 công nhân đang làm việc. Hậu quả, 10 người đã thiệt mạng, 14 người bị thương.
Công trình trên do Công ty TNHH Hà Hải Nga (trụ sở tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thi công; đơn vị giám sát là Công ty CP Dịch vụ công nghiệp Đồng Nai và đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Laud JVC. Sau khi xảy ra vụ việc, 4 người thuộc đơn vị thi công đã bị tạm giữ để điều tra, trong đó có ông Hà Huy Hải.
Bình luận (0)