Hành vi bất chấp pháp luật, tấn công, xâm hại đến sự an toàn sức khỏe cũng như tính mạng của người khác, đặc biệt là những người đang làm nhiệm vụ hoặc thi hành công vụ, là tội phạm. Những hành vi đó phải bị xử lý theo pháp luật hình sự hoặc luật xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Lỗi không ở một phía
Đặc biệt, những quy định của pháp luật còn chưa hợp lý, nhiều bất cập khiến người dân mất niềm tin vào công lý nên đã tự hành xử theo “luật” của riêng mình. Rõ nhất là những vụ người dân bị mất trộm chó, pháp luật quy định người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người dân bắt kẻ trộm chó giao công an, sau đó đối tượng này được thả ra vì giá trị tài sản không đủ để cấu thành tội phạm. Kẻ trộm tiếp tục trộm cắp và còn sử dụng hung khí hành hung người dân để tẩu thoát nên khi bắt được kẻ trộm, người dân đã “tự xử”.
Còn theo luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), nguyên nhân lớn nhất khiến người dân hành xử bạo lực xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào xã hội, đặc biệt là chính quyền. Trong những vụ hành hung y, bác sĩ, CSGT… vừa qua, xuất phát từ việc một số y, bác sĩ yếu kém về chuyên môn, hành xử thiếu trách nhiệm; một bộ phận lực lượng CSGT có hành vi tiêu cực hay việc nghiêm trị tội phạm tham nhũng còn dễ dãi…
Cần nhiều biện pháp đồng bộ
Để hạn chế tình trạng người dân hành xử bạo lực, luật sư Đỗ Hải Bình cho rằng cần nhiều biện pháp đồng bộ từ cả hai phía: chính quyền và người dân. Về phía chính quyền, cần xử lý nghiêm, thậm chí phải hình sự hóa những trường hợp cán bộ, nhân viên nhà nước sai phạm để nâng cao tinh thần trách nhiệm của “công bộc” cũng như tạo niềm tin vững chắc trong lòng người dân. Về phía người dân, cần nâng cao kiến thức pháp luật, bình tĩnh và xử lý khôn khéo trước mọi tình huống.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đề nghị cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ một cách triệt để, đầy đủ và rõ ràng hơn. Hiện mức xử phạt hành vi này từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Cùng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP HCM) bổ sung thêm: điều quan trọng nhất chính là viên chức, công chức của các cơ quan công quyền phải biết tôn trọng người dân khi tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình. Nếu không lạm quyền, biết tôn trọng và hành xử đúng mực, khách quan chắc chắn không có người dân nào muốn hành xử càn quấy để tự hại mình, hại người.
Xử nghiêm để người dân tâm phục, khẩu phục Theo Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, Giảng viên Xã hội học tội phạm - Trường ĐH KHXH & NV TP HCM, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ việc xuất phát từ sự quan liêu, hách dịch của một số cán bộ và sự tắc trách, vô cảm của không ít y, bác sĩ đã đẩy tâm trạng hoang mang, phẫn uất của người dân lên tột độ nên họ hành xử theo bản năng, bất chấp pháp luật. Cách phản ứng này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại, nếu các cơ quan công quyền không xử lý khéo léo, chừng mực, có tình, có lý, hợp lòng dân trên cơ sở pháp luật. Đối với những cán bộ có hành vi sai trái phải xử lý nghiêm để người dân tâm phục khẩu phục. |
Bình luận (0)