Mỗi buổi sáng, tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1, TP HCM), chúng tôi ghi nhận luôn có lực lượng dân phòng và công an mật phục bắt quả tang người nghiện đang chích ma túy. Từ đầu năm đến nay đã có trên 65 trường hợp bị tạm giữ đưa đến trung tâm cai nghiện tập trung để xác minh, yêu cầu người thân bảo lãnh. Thế nhưng, sau khi lập biên bản bàn giao thì hôm sau lại thấy họ xuất hiện tại địa điểm cũ.
Địa phương than khó
Nói về tình trạng này, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), thở dài: "Theo quy định, người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi lập biên bản xử phạt hành chính, hầu hết họ tìm cách bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện tập trung, trở về nơi cũ".
Đại diện Công an quận 8 thừa nhận trên địa bàn tồn tại một số điểm người nghiện thường xuyên lui tới để tìm "bãi đáp". Hiện nay, hiệu quả cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng chưa cao. Phần lớn người nghiện và gia đình họ có tâm lý sợ người khác biết nên không đăng ký cai nghiện, thậm chí che giấu.
"Phần lớn, khi phát hiện quả tang hoặc ghi nhận đối tượng có sử dụng ma túy, lực lượng công an sẽ lập hồ sơ, giao công an địa phương giám sát, quản lý" - vị này cho biết.
Dân phòng, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM bắt quả tang người nghiện sử dụng ma túy Ảnh: LÊ PHONG
Nhìn nhận về công tác quản lý người nghiện, lãnh đạo UBND quận Bình Tân (TP HCM) cho rằng công tác xử lý, ngăn chặn tái nghiện khó hơn việc tổ chức cai nghiện. Mỗi năm, có hàng chục trường hợp sau khi trở về từ các cơ sở cai nghiện thì phải quay vào lại cơ sở lần 2, 3… "Công tác quản lý hồ sơ, giám sát người nghiện bắt buộc phải tăng cường nhưng không được gây ra tâm lý xem họ là tội phạm. Nếu thấy xã hội kỳ thị, họ rất dễ lung lay ý chí cai nghiện" - vị này cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho rằng người nghiện ma túy đang có dấu hiệu trẻ hóa, đặc biệt xuất hiện tình trạng ma túy tổng hợp rất nguy hiểm cho sức khỏe và an ninh trật tự. Ngày trước, công tác cai nghiện bắt buộc thực hiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy. Sau này, việc cai nghiện làm theo hướng tự nguyện tại gia đình nên khó giám sát và dễ tái nghiện. Nhiều đối tượng còn rời khỏi nơi đăng ký tạm trú lẩn trốn nhiều nơi. Đây cũng là mầm mống của các vụ phạm pháp, mất an ninh trật tự.
Nhiều bất cập, vướng mắc
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, cho biết công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng ở TP HCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. TP HCM là một đô thị lớn, dân số đông nên phải đối mặt với tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn ma túy; tình hình sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng. TP cũng có số người nghiện đông nhất cả nước và người nghiện lang thang, người nghiện của các tỉnh, thành lân cận trốn trường, trốn trại, có tiền án, tiền sự ẩn nấp, buôn bán và sử dụng ma túy làm gia tăng sự phức tạp. Môi trường tại cộng đồng còn nhiều yếu tố gây khó khăn trong công tác cai nghiện như đối tượng mua bán ma túy có nhiều thủ đoạn tinh vi, bạn nghiện dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo... nên người nghiện rất khó chấm dứt, khống chế sự lệ thuộc vào ma túy để tiến đến cai nghiện thành công.
Bên cạnh đó, người nghiện, gia đình người nghiện có tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc với chính quyền địa phương, không muốn mọi người biết tình trạng nghiện nên thường bao che, trốn tránh, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại cộng đồng. Người nghiện và gia đình họ không tin vào chính gia đình họ hoặc cộng đồng có thể chữa trị thành công mà cần phải có đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia tâm lý và phác đồ điều trị, nhất là phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.
Cũng theo ông Trần Ngọc Du, hiện một xã, phường, thị trấn với hàng chục ngàn người nhưng chỉ có một cán bộ phụ trách phòng chống tệ nạn xã hội, không có chuyên môn điều trị "bệnh rối loạn của não bộ". Chưa kể đa phần là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công việc nên không thể giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ xuyên suốt, liên tục để người nghiện tuân thủ điều trị. Cũng vì là kiêm nhiệm nên không bố trí địa điểm cụ thể để người nghiện, gia đình họ đến để khai báo, tư vấn, đăng ký cai nghiện. Các thủ tục về cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng quá rườm rà, phức tạp, thiên về thủ tục hành chính, quá nhiều cuộc họp làm cho người nghiện và gia đình họ ngại tham gia, sợ kỳ thị.
Cai nghiện khó, tái nghiện dễ
Theo Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy Mỹ, khoảng 40%-60% người tái nghiện sau cai nghiện, tỉ lệ tái phát này tương tự như các bệnh mạn tính khác.
Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã tiến hành nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng ma túy của 1.329 học viên đang tham gia chương trình cai nghiện tại 7 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội của 6 tỉnh, TP nước ta. Nghiên cứu đã chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tái nghiện ma túy, gồm: nhóm nguyên nhân từ các hình ảnh trực quan; nhóm các cảm xúc; nhóm tình huống và hành vi nguy cơ; nhóm do trò chuyện về ma túy. Các tác nhân trong mỗi nhóm có mức độ ảnh hưởng khác nhau trong việc thôi thúc hành vi tái sử dụng ma túy.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-5
Bình luận (0)