xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CSGT dẫn đầu danh sách tham nhũng: Chưa công bằng!

NLĐO

(NLĐO) - Đồng ý rằng CSGT là lực lượng nhận hối lộ phổ biến nhất nhưng theo nhiều bạn đọc đó chỉ là tham nhũng vặt. Tham nhũng trong các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước mới thật sự đáng sợ, đang làm suy yếu kinh tế nước nhà, mất lòng tin trong nhân dân.

Tham nhũng nhan nhản
 
So với các cán bộ nhà nước khác thì CGST là lực lượng tiếp xúc với người dân nhiều nhất, bất kể là ai, làm nghề gì và sống ở đâu. Vì vậy, không có gì lạ khi qua điều tra xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho kết quả CSGT là ngành đứng đầu bảng về tham nhũng. Tiếp theo đó là quản lý đất đai, hải quan, xây dựng.

Kết quả khảo sát này cũng được bạn đọc nhất trí vì CSGT hay quản lý đất đai, hải quan là những lĩnh vực rất dễ xảy ra tham nhũng. Người vi phạm giao thông vì không muốn bị phạt phải "xì" tiền cho CSGT, doanh nghiệp muốn hàng hóa của mình qua cửa trót lọt, nhanh gọn phải đút lót cho hải quan, rồi người dân khi xây dựng nhà cửa, mua bán, tranh chấp đất đai... muốn không bị khó dễ lại phải "chi".

Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, tham nhũng hiện diễn ra nhan nhản trong đời sống, không từ một ngành nào, diễn ra từ trung ương đến địa phương.

Bạn Khang Hy nhận định: CSGT tham nhũng mặc dù nhiều thật nhưng số tiền rất ít, xin đi dạy thôi cũng tốn hơn 30 triệu đồng đấy! Đồng quan điểm này, bạn Hà Tiên cho biết trưởng phòng giáo dục các huyện, thị xã, TP là tham nhũng nghiêm trọng nhất vì giáo viên muốn được có chỗ dạy, chuyển trường đều phải chung chi.
Đặt biệt, kết quả điều tra xã hội học của Thanh tra Chính phủ và WB cũng công bố, cảnh sát khu vực (CSKV) là lĩnh vực ít tham nhũng nhất. Kết quả này theo nhiều bạn đọc là không sát với thực tế. Bạn Tư Cổ dẫn chứng: Đăng ký sổ tạm trú dài hạn phải mất 2 "chai" (2 triệu). Nhà có sản xuất nhỏ, kinh doanh nhà trọ... hàng tháng "trà nước" cho CSKV 500k (500.000 đồng), không có là bị kiểm tra hoài. Mua bình PCCC ngoài tiệm 180.000 đồng, ảnh (cảnh sát khu vực) hỏng chịu, để ảnh bán giá 350.000 đồng. Tết "lì xì" 1 chai thì qua năm mới được vui vẻ! Tôi ở Sài Gòn 17 năm rồi, qua nhiều nhiệm kỳ, anh nào cũng thế!

Cũng liên quan đến CSKV, bạn Út Chọt cho rằng, việc CSKV mà nằm trong diện ít tham nhũng nhất thì nên xem lại. Thử hỏi, các tệ nạn hàng ngày như lô đề, đá gà, đánh bạc,... ở các địa phương mà CSKV không biết thì quá khó hiểu mà nếu biết thì tại sao nó vẫn tồn tại?
Theo bạn Hotel, tham nhũng của CSKV khá tinh vi do họ  là người nắm rõ nhất tình hình kinh tế của người dân lẫn doanh nghiệp trên địa bàn họ phụ trách. Họ gợi ý than vãn rất khéo léo và họ nhận quà biếu cũng rất khéo nên phóng viên đừng có mơ mà chụp được hình ảnh lúc họ đang nhận quà biếu.

Ai có kinh doanh khách sạn hoặc nhà cho thuê mà không biết điều chung chi với CSKV thử xem, sẽ được bác ấy ghé tới kiểm tra thường xuyên cho mà biết thế nào là lễ độ.

Vì vậy, theo nhiều bạn đọc, việc cho rằng CSGT tham nhũng nhất là "không công bằng". Bạn Tám Dùi có ý kiến: CSGT tham nhũng nhưng chỉ là nhặt nhạnh hoa rơi, góp gió thành bão thôi. Số tiền không lớn như các ngành khác. Ví dụ như cháu tôi muốn đi dạy thì phải chung 50 triệu, một BS muốn chuyển công tác về bệnh viện gần nhà cũng mất một số tiền không nhỏ, một anh Tây muốn lấy giấy kết hôn nhanh phải chung không dưới 5 triệu...
 
img
Theo nhiều bạn đọc, cho rằng CSGT tham nhũng nhất là chưa công bằng. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nhiều bạn đọc dẫn chứng thêm: CSGT chỉ nhận tiền vặt của đối tượng vi phạm thôi, chứ bạn không vi phạm họ chẳng bao giờ lấy xu nào. Chi cục thuế, cụ thể là đội quyết toán thuế mới tham nhũng "khủng", ngồi mát ăn bát vàng... (8 Chơn)

Phải đẩy cảnh sát, tòa án vào loại hình tham nhũng lớn. Xin thưa, có trường hợp buôn bán ma túy bị xử tử hình, nhưng chung chi vài chục tỉ cũng giảm xuống vài tháng tù đấy! (Dũng Lam)

Mấy bác kiểm lâm bị bỏ quên, sướng quá, nhìn nhà của mấy bác nhờ rừng mà lộng lẫy từ trên xuống dưới, tiền bạc của chìm không biết, chứ gỗ quý thì từ nội ngoại thất đều kín mít, chắc có lẽ do làm việc cần mẫn quá nên được ban tặng đó mà.(Sao Mai)

Tham nhũng trong các lĩnh vực kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể là do pháp luật lỏng lẽo, quy định, thủ tục rờm rà, tạo điều kiện cho cán bộ nhũng nhiễu. Có thể là do người dân vì lợi ích cá nhân, muốn lách luật nên chấp nhận chung chi...
 
Dù xuất phát từ đâu thì tham nhũng trong CSGT, hải quan, đất đai... đều có sự tham gia và "giám sát" của người dân. Trong những trường hợp này, tiền từ túi dân trực tiếp chảy vào túi quan ít thì vài chục, nhiều là vài chục triệu. Số tiền đó nói như nhiều bạn đọc, chỉ là những con tép nhỏ vặt vãnh trong thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay.
 
Đáng sợ "những con sâu chúa"

Bạn Bùi Đức Lộc nhận định: Số liệu điều tra trên, nếu phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay, chỉ là tảng băng nổi, "tham nhũng vặt", còn tảng băng chìm chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Đó là tham nhũng trong các doanh nghiệp Nhà nước, trong các dự án đầu tư từ nguồn tiền ngân sách...

Bạn Hoàng Lê gọi những đối tượng tham nhũng trên là những "con sâu chúa". Những con sâu chúa đó đớp một phát cả đống, từ đất, xi măng, sắt thép và quan trọng hơn là còn lâu điều tra xã hội học kiểu này mới lôi ra được. Công bố trên của Thanh tra Chính phủ làm cho người dân nghĩ rằng loài sâu bọ nhỏ là chính, sâu chúa bự không đáng kể. Đúng là số vụ sâu bự ăn cắp, ăn cướp, ăn hiếp bằng lạm dụng quyền lực được phát hiện thì ít thôi, nhưng một nhát đớp của nó bằng hàng vạn CSGT "làm" trong một năm.

Nói về mức độ nguy hiểm, bạn Nguyên Hồng nhận định: Mặc dù số lượng CSGT tham nhũng nhiều, tham nhũng trực tiếp của người dân nhưng không đến mức độ nguy hiểm bằng các cán bộ nhà nước biến thái, lợi dụng quyền hạn được giao để tham nhũng tiền của dân, của doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế theo luật để duy trì và phát triển đất nước. Điển hình là các Vinashin, Vinalines, các công trình thủy điện... số lượng là cả ngàn tỉ chứ không phải vài trăm, vài chục triệu... Đó mới là những con mọt nguy hiểm nhất phá hoại rường cột quốc gia.

Càng nguy hiểm hơn khi tham nhũng dạng này thường nằm trong nội bộ các cơ quan nhà nước, "sâu" là những quan chức cấp cao, bắt tay nhau, bao che nhau nên rất khó để phát hiện, tố cáo... Tham nhũng dạng này thường không xảy ra một lần, một ngày mà âm ỉ kéo dài năm này qua năm khác và tiền thuế của người dân cứ thế chảy vào túi quan.
 
img
Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin đã gây thất thoát, nợ đọng cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng

Tham nhũng trong CSGT hay các lĩnh vực khác mà người dân trực tiếp tham gia lâu dần sẽ làm cán bộ biến chất, người dân coi thường pháp luật dẫn đến xã hội rối ren. Để chấn chỉnh tình trạng này, bạn đọc đưa ra nhiều giải pháp: Cải cách thủ tục hành chính bớt rờm rà để cán bộ không dựa vào đó sách nhiễu dân; sửa Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người dân tích cực chống tham nhũng; người dân phải tự ý thức chấp hành pháp luật, không vì lợi ích riêng tư mà đưa hối lộ, tiếp tay cho tham nhũng.

Nhiều bạn đọc tin rằng, nếu nhà nước thay đổi cách quản lý, người dân có ý thức hơn thì việc bài trừ tham nhũng trong các lĩnh vực trên không phải là không thể. Điều quan trọng hơn cả là phát hiện và diệt trừ tham nhũng cấp cao, loại tham nhũng liên quan đến các "con sâu chúa", tác nhân chính gây suy yếu nước nhà và làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.
Vấn đề này, nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp như kiểm soát quyền lực, minh bạch tài sản để chống tham nhũng, thậm chí có đại biểu Quốc hội còn đề nghị xem tham nhũng là phản quốc để có hành động cụ thể hơn. Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và 3 điều cụ thể trong dự án luật, gồm: Công khai minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; công khai bản công khai tài sản; và nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng được thành lập do Tổng Bí thư làm Trưởng ban (trước đây do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban).

Một thay đổi cần thiết để có thể thật sự chống tham nhũng, lãng phí
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo