Một tài khoản Facebook vừa đăng tải hình ảnh một chiến sĩ CSGT thuộc tổ CSGT Trạm 2-19 (PC67 - Công an tỉnh Gia Lai) trong lúc tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 19 đã bị một người đàn ông hành hung, gây thương tích nhưng không dám chống trả.
Chế tài còn quá nhẹ
Trước đây cũng từng xảy ra nhiều vụ CSGT bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Trong đó, có những vụ đã bị xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn không giảm.
Một số lý do dẫn đến các trường hợp CSGT "thất thủ" trước những hành vi tấn công này phải kể đến là do ngại bị người dân hiểu lầm, ngại bị quay clip đưa lên mạng nếu đánh trả, ngại bị vu oan, ngại bị xử ký kỷ luật… Thực trạng này quả là "ngược đời" khi CSGT vốn thuộc đối tượng người thi hành công vụ (THCV), đang thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, họ lại chùn tay trước những hành vi xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn, bình thường được giao phó; làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan, tổ chức; thậm chí còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ.
Những hành vi có tính chất côn đồ nêu trên là hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả tính mạng con người - quyền hiến định trong Hiến pháp. Nghiêm trọng hơn, đối tượng mà hành vi này hướng tới lại là lực lượng cảnh sát hay CSGT - là người THCV, có quyền nhân danh và thay mặt quyền lực nhà nước để thực hiện công việc quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, chế tài xử lý các hành vi chống người THCV còn quá nhẹ. Hầu hết vụ việc xảy ra chỉ bị xử lý hành chính, những trường hợp bị khởi tố hình sự thì mức phạt cũng không đủ sức răn đe (mức phạt hành chính cao nhất 5 triệu đồng, khung hình phạt khởi điểm nếu xử lý trách nhiệm hình sự là phạt cải tạo không giam giữ). Mức độ nguy hại của những hành vi chống người THCV chưa được đánh giá đúng mức dẫn đến hậu quả pháp lý phải chịu không tương xứng, trong khi những hành vi này cần phải bị xử lý thật nghiêm khắc vì thể hiện sự coi thường pháp luật.
Ở nhiều nước trên thế giới, lực lượng cảnh sát tỏ rõ quyền uy trong từng cá nhân thực thi công vụ. Khi có sự vụ xảy ra, cảnh sát ngay lập tức có quyền trấn áp đối tượng, thậm chí có thể bắn gục nếu ai đó manh động chống trả. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nên có sự chùn tay (sợ làm chết người, sợ vi phạm pháp luật), vì vậy không đủ uy lực để trấn áp, đè bẹp sự phản kháng của tội phạm.
Minh họa: KHỀU
Vận dụng luật để trấn áp
Theo quy định tại điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người THCV sẽ bị xử lý hành chính. Khi mức độ vi phạm hoặc gây hậu quả quá lớn, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 330 Bộ Luật Hình sự về tội "Chống người THCV". Nếu chống người THCV mà thương tích gây ra dù dưới 11% cũng đã đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 134 Bộ Luật Hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" và bị xử lý nặng hơn với người bình thường.
Nghị định 208/2013/NĐ-CP cũng đã quy định một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV. Đây là một trong những quy chuẩn để lực lượng cảnh sát có những cách ứng xử phù hợp đối với hành vi chống đối. Ngoài ra, phạm vi, cách ứng xử của lực lượng cảnh sát còn được quy định trong điều lệ ngành Công an Nhân dân và một số văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự xã hội.
Cần nhấn mạnh, việc tấn công, dùng vũ lực đối với người THCV là hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền lực nhà nước, xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ. Vì vậy, cần phải hiểu hành vi này còn nghiêm trọng hơn cả hành vi gây hấn thông thường giữa người dân với người dân. Nếu như lực lượng cảnh sát không có cách thức ứng xử tương xứng với mức độ nghiêm trọng của người vi phạm, rất có thể sẽ là hiệu ứng xấu đối với khả năng quản lý trật tự an ninh xã hội của nhà nước, là tiền lệ cho những hành vi chống trả sau này.
Hơn nữa, biện pháp chủ yếu được đề cập tại Nghị định 208/2013/NĐ-CP thường được áp dụng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật nên không mấy hiệu quả. Để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng chống người THCV đang gia tăng hiện nay, pháp luật cần có cơ chế xử lý thật mạnh những trường hợp vô cớ chống người THCV, tăng nặng hình phạt của tội "Chống người THCV" và tăng mức phạt tiền nếu xử lý vi phạm hành chính.
Những quyền cảnh sát được thực hiện
Cảnh sát có quyền được thực hiện một số hành vi cụ thể nhằm trấn áp hành vi côn đồ của người vi phạm như sau:
1- Trực tiếp có hành vi chống trả, khống chế bằng vũ lực nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng để bảo vệ cho chính tính mạng và sức khỏe của mình; 2- Được sử dụng công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tước bỏ hung khí và ngăn chặn trực tiếp hành vi của người chống người thi hành công vụ; 3- Được quyền cưỡng chế, bắt giữ trực tiếp người có hành vi chống người thi hành công vụ; 4- Lực lượng cảnh sát còn có thể nổ súng trực tiếp nhằm phòng vệ chính đáng. Đây là quy định đặc biệt.
Bình luận (0)