Trong văn bản 1042/C67-P3/2013 gửi trưởng Phòng CSGT các địa phương, đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67- Bộ Công an), đã yêu cầu lực lượng CSGT: "Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật".
Phải xuất trình giấy tờ (!)
Đại tá Hà nói: "Công văn này không có chữ "cấm" nào cả, cũng không hạn chế quyền giám sát của người dân và báo chí. Mục đích của nó là để công an và báo chí phối hợp với nhau xây dựng hình ảnh CSGT tốt lên". Theo ông Hà, nhà báo muốn chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thực thi công vụ thì phải đặt vấn đề trước khi làm việc.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Công an có quy định nào cấm người dân, nhà báo chụp ảnh, quay phim lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ, ông Hà cho biết việc giám sát của người dân với mục đích xây dựng là tốt. Tuy nhiên, có nhiều người sau khi vi phạm lại lén quay clip để đưa lên Facebook với rất nhiều bình luận không hay. Trường hợp phát hiện người lén quay clip, chụp ảnh mà không thông báo, xin phép thì lực lượng CSGT có quyền hỏi. Đối với nhà báo thì có thể phải xuất trình thẻ nhà báo để chứng minh, đối với công dân thì cũng phải xuất trình CMND.
"Vậy sau khi xác định được động cơ của người quay phim, chụp ảnh thì công dân vẫn được tiếp tục giám sát?" - phóng viên đặt câu hỏi. Ông Hà trả lời: "Tôi là người thi hành công vụ, anh đến quay phim, chụp ảnh thì tôi cũng có quyền hỏi anh về giấy tờ".
Nhiều ý kiến cho rằng trái luật
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định khi tác nghiệp, nhà báo thực hiện các quyền được quy định trong Luật Báo chí. "Nếu nhà báo làm sai thì đã có cơ quan chủ quản, tòa soạn xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Việc yêu cầu nhà báo phải xin phép trước khi chụp ảnh, ghi hình lực lượng CSGT đang tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông trên đường là không phù hợp với Luật Báo chí" - ông Huệ cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh, mọi công dân đều có quyền ghi hình, chụp ảnh lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường mà không cần xin phép. "Đó là quyền giám sát của mỗi người dân đối với lực lượng thực thi công vụ xem có làm đúng các quy định của pháp luật hay không. Tôi cho rằng ngành công an nên tăng cường giáo dục, chỉnh đốn lực lượng chứ không thể để xuất hiện những hình ảnh như hiện nay. Khi anh nghiêm chỉnh, đàng hoàng, thực thi nhiệm vụ thì không phải sợ gì việc chụp ảnh, ghi hình tung lên mạng, Facebook" - ông Quốc Anh nói. Theo ông Quốc Anh, những trường hợp chụp ảnh, ghi hình CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường với mục đích tiêu cực, bôi nhọ hoặc tống tiền thì khi có đủ bằng chứng sẽ bị xử lý theo những quy định khác.
Nhiều rào cản Luật gia Phạm Quốc Anh bày tỏ lo ngại về chuyện gần đây khá nhiều cơ quan "mong muốn" siết hoạt động tác nghiệp của báo chí. Cụ thể là trong văn bản trả lời các đoàn đại biểu Quốc hội hồi tháng 4, Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất sửa điều 7 Luật Báo chí theo hướng yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho cả cơ quan điều tra các cấp. Gần hơn, trong dự thảo Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND do TAND Tối cao xây dựng đã đề xuất quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án. |
Bình luận (0)