xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cửa ngõ phía Đông TP HCM kẹt cứng

GIA MINH - SỸ ĐÔNG - Lê Phong

Tốc độ phát triển đô thị ở cửa ngõ phía Đông TP HCM tăng nhanh nhưng hạ tầng chưa theo kịp dẫn đến kẹt xe thường xuyên, ngành giao thông phải "xẻ" đường ô tô phục vụ xe máy

Những ngày gần đây, Trung tâm Quản lý đường hầm (QLĐH) sông Sài Gòn phải lên phương án tăng 1 làn đường vào hầm và thoát khỏi hầm từ phía quận 2 cho xe máy lưu thông. Ở hướng quận 1, phương án tạm chặn ô tô để xe máy đi vào làn ô tô cũng được đưa ra.

Liên tục ùn tắc

Theo ghi nhận vào các buổi sáng, lượng xe máy từ quận 2 theo đường Mai Chí Thọ qua hầm sông Sài Gòn rất đông. Giao lộ với đường Trần Não thường xuyên ùn tắc. Có lúc xe máy phải đợi 2-3 lần đèn đỏ mới qua được.

Đường Mai Chí Thọ chủ yếu "gánh" phương tiện từ quận 2 và quận 9 qua. Tuyến này có 3 làn xe máy và 4 làn ô tô nhưng khi vào hầm sông Sài Gòn thì bị bóp nghẹt, chỉ còn 1 làn cho xe máy và 2 làn cho ô tô. Tương tự, xa lộ Hà Nội cũng thường xuyên ùn tắc ở các giao lộ do lượng xe rất lớn từ quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã cắt thêm 1 làn đường ô tô để xe máy lưu thông thành 2 làn, đồng thời cho phép xe máy đi lên cầu vượt thép ở ngã tư Hàng Xanh dù trước đó cấm sau khi thí điểm.

Theo Trung tâm QLĐH sông Sài Gòn, trung bình mỗi ngày có 230.000 lượt xe máy và 43.000 lượt ô tô qua hầm. Trước tình trạng ùn ứ 2 đầu hầm, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý. Khi xảy ra sự cố trong hầm như xe chết máy phải dẫn bộ thì lực lượng cứu hộ tiếp cận, hỗ trợ đưa ra khỏi hầm. Cùng với đó là phối hợp với CSGT và thanh niên xung phong điều tiết ở các điểm như trạm thu phí và nút giao Ký Con. Khi lượng xe máy tăng nhanh, trung tâm sẽ phối hợp với CSGT tổ chức cho ô tô tạm dừng bên ngoài để xe máy đi vào làn ô tô thoát nhanh qua hầm.

Phía quận 2 được bố trí tăng 1 làn đường hướng vào hầm và thoát khỏi hầm cho xe máy. Nếu xe ùn ứ đến phạm vi trạm thu phí thì sẽ điều tiết ngăn ô tô vào hầm để ưu tiên xe máy. Ở đầu hầm phía quận 1, khi mật độ xe máy quá lớn sẽ ưu tiên cho đi vào làn ô tô, đồng thời bổ sung biển cấm ô tô hướng từ quận 2 qua quận 1 vào làn hỗn hợp Võ Văn Kiệt và từ nhánh rẽ cầu Calmette vào hầm theo giờ.

Cần xem xét nhiều mặt

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm QLĐH sông Sài Gòn, đánh giá lượng phương tiện lưu thông qua hầm sông Sài Gòn tăng rất nhanh theo từng năm. Trong 11 tháng của năm 2017, ô tô lưu thông qua hầm trung bình mỗi ngày khoảng 43.811 lượt (tăng 25,38% so cùng kỳ năm 2016), xe máy là 230.000 lượt (tăng 15%). Với tình hình này, nếu xảy ra sự cố như va chạm, xe chết máy, ảnh hưởng trời mưa... thì hầm bị ùn ứ nghiêm trọng.

Trước mắt, theo ông Triết, Trung tâm QLĐH sông Sài Gòn phối hợp với lực lượng CSGT, thanh niên xung phong điều tiết giao thông, mở thêm 1 làn đường cho xe máy ở 2 đầu hầm; điều khiển linh hoạt đèn tín hiệu giao thông với thời lượng phù hợp ở các nút giao thông trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt đoạn gần đường hầm để tránh gây xung đột các hướng. "Tuy nhiên, để giảm áp lực giao thông thì phải nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4" - ông Triết nhìn nhận.

Trước thực trạng các cao ốc, chung cư xây dựng trên địa bàn TP HCM tác động đến giao thông, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đơn vị đang cùng Sở Xây dựng TP đề ra các quy chế phối hợp trong một số nội dung để giảm ảnh hưởng giao thông. Cụ thể, trong quá trình nhận hồ sơ của nhà đầu tư, các đơn vị phải chú ý khu vực nào gây tác động lớn tới giao thông bên ngoài cũng như lên phương án điều chỉnh.

Cửa ngõ phía Đông TP HCM kẹt cứng - Ảnh 1.

Lưu lượng xe qua hầm sông Sài Gòn liên tục tăng trong những năm qua Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP HCM, sở đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa TP HCM xây dựng quy trình đánh giá tác động ở khu vực tập trung đông người đến hạ tầng giao thông và gửi các sở, ngành, đơn vị góp ý. Sở GTVT TP cũng đang rà soát một số trục đường chính để đánh giá, khi có quy trình cụ thể sẽ cảnh báo để có biện pháp hạn chế việc xây dựng các cao ốc, chung cư...

"Những nội dung thuộc quy trình đánh giá tác động đang trong giai đoạn dự thảo và được gửi đến các sở, ngành, đơn vị liên quan góp ý, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ hoàn thành để trình UBND TP xem xét, ban hành quy định cụ thể. Sở GTVT TP đang góp ý các nội dung như việc kết nối giao thông như thế nào, dự báo tác động ra sao và những yêu cầu về việc hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ công trình đến giao thông bên ngoài" - ông Đường cho biết.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng việc gia tăng dân số cơ học ở TP quá nhanh khiến hạ tầng giao thông không kịp đáp ứng. Minh chứng chính là đến giờ cao điểm lại kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông TP. Ông Tuấn phủ nhận ý kiến cho rằng việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư ở khu vực Thủ Thiêm (quận 2) và quận 9 gây kẹt xe, phá vỡ quy hoạch. Theo ông, trước khi quy hoạch một khu đất nào đó đều phải rà soát hạ tầng kỹ thuật, mật độ xây dựng, mật độ dân cư.

"Thấy kẹt xe là đổ lỗi cho cấp phép xây dựng ồ ạt. Thực tế, đường Mai Chí Thọ hiện nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm, ở đó khi quy hoạch có rất nhiều con đường nội bộ, đường chung, cầu và các tuyến vành đai. Tuy nhiên, ai cũng hiểu về mặt lý thuyết, khi quy hoạch một khu đô thị thì hạ tầng phải đi trước một bước và nhà ở hình thành sau. Ngân sách hạn hẹp nên chúng ta cho quy hoạch nhà ở trước rồi thu tiền sử dụng đất để chủ đầu tư xây dựng. Thủ Thiêm còn mấy cây cầu chưa xây dựng xong" - ông Tuấn phân tích và cho rằng cần xem xét nhiều mặt. Cụ thể, ở quận 2, nếu khi quy hoạch yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất rồi cấp phép mà không cho xây dựng thì ảnh hưởng môi trường đầu tư. Ngay lúc này, cần nhanh chóng xúc tiến việc đầu tư cầu như thiết kế ở khu đô thị Thủ Thiêm chứ không nên bàn cãi nguyên nhân, giải pháp khác.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho rằng TP HCM phải chấp nhận xây dựng nhà ở do nhu cầu tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng giao thông đi sau dẫn đến kẹt xe, quá tải. "Có hai vấn đề chúng ta vấp phải. Thứ nhất, đánh giá chưa đúng thực tế về tác động các dự án chung cư - cao ốc đối với môi trường sống, hạ tầng giao thông xung quanh. Thứ hai, cho phát triển nhà ở trước hạ tầng giao thông, chưa đẩy mạnh phương tiện công cộng" - TS Cương nhận xét.

Áp lực đang rất lớn

Ông Bùi Xuân Cường đánh giá tốc độ phát triển đô thị khu vực phía Đông TP HCM đang tăng nhanh nên lưu lượng phương tiện ở các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ... tăng theo, khiến áp lực giao thông ở khu vực này rất lớn.

Theo ông Cường, ngoài việc thực hiện các giải pháp điều tiết, phân luồng giao thông, cần nhanh chóng triển khai các dự án theo quy hoạch thì mới có thể giải quyết căn cơ. Riêng khu vực Thủ Thiêm, nhiều dự án đã khởi động từ rất lâu như cầu Thủ Thiêm 2, 3 nhưng chậm tiến độ. Lý do là chưa hoàn tất các thủ tục trong việc lựa chọn nhà đầu tư, phương án hoàn vốn, thực hiện đồng bộ với các công trình khác...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo