TS HUỲNH THẾ DU, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright:
Điều chỉnh biện pháp chống dịch linh hoạt
Để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, về mặt lý thuyết, TP HCM cần tìm ra điểm cân bằng giữa hiệu quả của việc chống dịch với hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Nếu ở trạng thái mất cân bằng, gây ảnh hưởng đến một phía thì tất yếu dẫn đến tác động chung trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dân sinh.
Chẳng hạn, nếu đóng cửa tất cả mọi hoạt động trong thời gian dài thì một số lượng không nhỏ người dân, người lao động, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sinh kế. Khi tình hình khó khăn kéo dài đến mức không thể chịu đựng được, có nguy cơ cao phát sinh các biểu hiện tự phát, làm trái quy định, dẫn đến khó kiểm soát, gây ảnh hưởng lâu dài đến mọi mặt. Còn nếu mở cửa cho gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội trong dịch thì khó tránh khỏi tình trạng dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh như trường hợp của Ấn Độ, khi đó mức độ tác động đến nền kinh tế cũng như an ninh - xã hội sẽ rất khủng khiếp.
Tạm dừng hoạt động chợ đầu mối Thủ Đức từ 8 giờ ngày 7-7 do có ca dương tính với SARS-CoV-2, người buôn bán vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ. Ảnh: SỸ HƯNG
Trước bài toán này, TP HCM cần có giải pháp riêng để vừa kiểm soát được dịch vừa giữ cho kinh tế không bị xuống dốc quá mạnh. Theo tôi, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh như hiện tại, các biện pháp nghiêm khắc, cứng rắn như cách ly, phong tỏa diện rộng để giảm lây lan là thật sự cần thiết. Song, sau thời gian phong tỏa để kiểm soát nhanh dịch bệnh, phải nhanh chóng khoanh vùng, phân loại từng đối tượng, khu vực theo mức độ nguy hiểm để kịp thời hỗ trợ và điều chỉnh biện pháp chống dịch.
Cụ thể, nhóm các hoạt động ít rủi ro, không cần tiếp xúc nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì nên tạo điều kiện tối đa để duy trì, đẩy mạnh. Ở nhóm có mức độ tiếp xúc trung bình, nên cho hoạt động kèm theo các giải pháp kiểm soát, hạn chế lây lan dịch bệnh. Chỉ nhóm nào có nguy cơ rất cao thì mới đóng cửa toàn bộ cho đến khi dịch được khống chế hoàn toàn. Không nên áp dụng chung một giải pháp cho tất cả khu vực, lĩnh vực... bởi như thế sẽ đẩy nền kinh tế vào trạng thái đóng băng không cần thiết. Điều này cần sự linh hoạt, độ nhạy tốt của cả hệ thống trong điều hành chung.
Thực tế, trong mọi giải pháp thì vắc-xin là giải pháp quan trọng số 1, là chìa khóa cho mọi nền kinh tế trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh không thể có được vắc-xin nhanh chóng, giải pháp tình thế vẫn là triệt để chống dịch và hạn chế ngăn sông cấm chợ, đóng cửa tuyệt đối các hoạt động kinh tế quan trọng, thiết yếu.
Bạn đọc NGUYỄN ĐOÀN LÂM HOÀNG:
Quyết liệt chống dịch trên mọi phương diện
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để bảo đảm việc phòng chống dịch hiệu quả, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, cần quyết liệt áp dụng ngay các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg; đồng thời, người dân phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K trong phòng chống dịch.
Để việc thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 đạt hiệu quả, các tổ phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng cần tăng cường trách nhiệm; thường xuyên kết hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết lập biên bản để xử lý đối với các trường hợp tụ tập đông người, không thực hiện biện pháp 5K nơi công cộng. Đối với các chợ tự phát, người buôn bán dạo, hàng rong, kiên quyết dẹp bỏ, bởi lẽ thời gian qua, đã phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng từ những trường hợp này.
Về lâu dài, sau khi khống chế được dịch, chính quyền TP HCM nên kiên quyết dẹp bỏ các chợ tự phát. Việc dẹp bỏ này là cần thiết vừa lập lại trật tự lòng lề đường, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với lực lượng bán hàng rong, TP HCM cần quy hoạch theo từng tuyến đường, phường, quận để bảo đảm trật tự đô thị nhưng cũng tạo điều kiện cho người lao động nghèo có được thu nhập, bảo đảm cuộc sống.
Đối với việc thanh toán điện, nước, mua sắm các mặt hàng thiết yếu, nên tăng cường dịch vụ online để tránh việc tụ tập đông người. Mô hình đặt mua hàng hóa qua Zalo của Co.op Mart đang triển khai cần được nhân rộng và làm bài bản hơn.
Đối với các hoạt động liên quan đến dịch vụ hành chính công, từ đợt dịch Covid-19, cho thấy việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp không bảo đảm an toàn. Vì vậy, cần tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp giữa người dân và chính quyền. Thời gian qua, chính quyền đã chú trọng và tăng cường hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến là điều đáng mừng nhưng chưa đồng bộ. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa và tăng cường cơ sở hạ tầng mạng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Mong chờ những hiến kế
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại TP HCM diễn biến phức tạp, khó lường với số ca nhiễm liên tục nằm ở mức 3 con số, số điểm phong tỏa ngày một tăng. Tính đến sáng 7-7, TP HCM đã có 122 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối buộc phải tạm ngưng hoạt động để chống dịch. Dịch không chỉ khu trú tại TP HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh và một số tỉnh có mối quan hệ mật thiết với TP…
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn hiến kế "Cùng TP HCM sớm vượt qua đại dịch". Tất cả ý kiến, hiến kế vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng.
Bình luận (0)