Nhưng tôi vẫn nhớ mâm ngũ quả của mẹ Tết xưa. Bởi ở đó nó đong đầy tình mẫu tử và sự thiêng liêng hướng về nguồn cội mỗi khi Tết đến xuân về.
Trước năm 1986, ở miền nghèo xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa quê tôi, để có một cái Tết đủ đầy người dân phải chuẩn bị trước đó vài ba tháng. Cũng như nhiều gia đình thủa ấy, chừng tháng 10 âm lịch, mẹ tôi đã chuẩn bị sắm Tết. Gọi là sắm Tết chứ thực ra là tiết kiệm từng đồng tiền lẻ từ bán bổi, mò cua, bắt cáy mua sắn nạo, khoai, khô.
Thời bao cấp, nhà nào "khấm khớ" lắm, Tết mới có gạo tẻ. Gạo tẻ lúc đó là loại "ngọc thực" xa xỉ. Nghèo, đông con như nhà tôi, cơm trắng chỉ được ăn ngày mùng một Tết. Mùng hai, mùng ba "điệp khúc" sắn nhiều hơn gạo đã là tốt lắm rồi, cốt là no bụng.
Mâm ngũ quả Tết xưa của mẹ
Đói cơm, hiếm thịt, thiếu cá nhưng mâm ngũ quả "cây nhà lá bờ" tự tay mẹ trồng thì không thể thiếu
Sáng 30 Tết, mẹ tôi phân công: "Thằng Thắng nhanh nhẹn trèo bẻ dừa, thằng Chiến lau bàn thờ, rửa cốc chén, thay nhang; thằng Dũng bé nhất rửa nải chuối, hái na, sung, táo".
Chấp hành mệnh lệnh của mẹ, tôi thoăn thoắt trèo lên cây dừa lửa phía đầu ngõ bẻ một buồng chọn quả đẹp nhất bày mâm quả, còn lại đem cất xó nhà uống dần. Người anh trai lau chùi bàn thờ sạch sẽ. Nải chuối xanh, quả na còn nguyên cuống lá. Chùm sung, chùm táo thằng út rửa sạch phơi ra mẹt cho khô nước.
Ba anh em tôi ngồi quanh cái mẹt tròn, bàn tay gân guốc của mẹ cầm nải chuối xanh đặt vào giữa chiếc mâm nhôm, trái dừa xiêm đặt chính giữa, mấy quả na đặt hai bên, chùm sung để trên cùng. Xếp đến đâu, mẹ dạy đến đó. Mẹ bảo: "mâm ngũ quả là nét văn hóa không thể thiếu trong nghi lễ thờ cúng ba ngày Tết trong mỗi gia đình Việt". Nghèo đói thế nào không biết nhưng mâm quả phải tươm tất đẹp mắt. Nó là "bộ mặt" đánh giá "Tết to hay nhỏ" của mỗi gia đình thôn quê thời bấy giờ.
Phòng khách nhà tôi chuẩn bị đón Tết
Trưa 30 Tết, trời rét căm căm, mẹ tôi mặc chiếc áo bông đen, bịt khăn kín tai gọi: "Mấy đứa chúng mày đâu rồi, lên cúng đi các con". Ba anh em tôi mỗi người cầm một nén hương đứng trước bàn thờ tổ tiên. Mẹ khấn vái nói: "Hôm nay là trưa 30 Tết. Gia chủ có mâm cơm mọn, mời ông bà bố mẹ về hiến hưởng, phù hộ độ trì cho con cháu sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, đoàn kết, may mắn, thuận lợi hanh thông".
Nhìn lên mâm ngũ quả mẹ nói tiếp: "Nhà mình nghèo khó không cần mâm cao cỗ đầy nhưng nhất thiết phải có mâm ngũ quả thờ ba ngày Tết. Bởi nó tượng trưng cho sự tôn vinh truyền thống và thiêng liêng trong mỗi gia đình".
Trong làn khói hương mỏng, mắt mẹ cay cay xúc động. Mẹ nhìn lên di ảnh bố - người chồng của mẹ đã yên nghỉ vĩnh hằng giữa lòng đất Quảng Trị trong một trận chiến đấu đối mặt với quân thù Tết Mậu Thân 1968.
Mâm ngũ quả Tết Tân Sửu nhà tôi
Tết Tân Sửu này, mâm ngũ quả nhà tôi không bó hẹp 5 loại quả như mâm ngũ quả của mẹ Tết xưa mà nhiều loại trái cây cây đắt tiền.
Dù vậy, đứng trước bàn thờ tổ tiên, nước mắt tôi rưng rưng nhìn lên di ảnh mẹ. Lời mẹ ngày nào dạy anh em tôi bày mâm ngũ quả vẫn còn đây, dáng mẹ hao gầy trong trong chiếc áo bông đen dưới cái rét lạnh căm căm ùa về trong miền ký ức.
Cảm ơn mẹ đã dạy chúng con bày mâm quả thủa xưa
Đó là cội nguồn linh thiêng ngày Tết.
Xuân này giữa hai miền âm dương cách biệt.
Lời mẹ ngày nào con nguyện khắc ghi.
Bình luận (0)