xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT "HƯƠNG VỊ TẾT": Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại

BÙI NGỌC DIÊU

(NLĐO) - Bánh phục linh không hiếm, được bán từ chợ đến siêu thị nhưng khi ăn, tôi không tìm thấy được sự tinh tế, thanh tao như chiếc bánh ngoại làm

Hằng năm, khi gió bấc thổi vi vút trên cánh đồng, đám bình tinh bên hông nhà úa lá, rụi dần là một năm sắp qua, Tết sắp đến. Khi đó, bà ngoại tôi lại vác cuốc ra vườn, đào mớ củ bình tinh, lớp thì luộc, lớp chiên và mớ làm bột để "gõ" bánh phục linh ăn Tết.

Gõ bánh phục linh, nhớ Ngoại

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 2.

Những chiếc bánh phục linh ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ tôi

Làm bột bình tinh cũng lắm công phu. Củ bình tinh sau khi lột vỏ, rửa sạch, ngoại đem ngâm nước nhiều ngày trong chiếc khạp sành cho rã ra rồi thay nước nhiều lần, lấy lại phần bột, phơi khô.

Bột bình tinh sau khi phơi khô sẽ vỡ ra nhưng không mịn. Để làm bánh, ngoại phải xay cả bột và đường. Ngày xưa không có máy xay sinh tố, ngoại sức yếu nên phần này thường dành cho bọn con cháu chúng tôi. Xay bột cũng là khâu ngán nhất khi làm bánh phục linh. Nhưng vì muốn được ăn bánh nên các cháu cũng thay nhau vần chiếc cối đá nặng trịch cho đến khi đường nhuyễn bân, còn bột thì mịn đến mức miết lên ngón tay nghe kêu kin kít.

Bột sau khi xay nhuyễn sẽ cho lên chảo rang cùng với lá dứa cho thơm. Đây cũng là cách để biết khi nào bột chín. "Chỉ cần con bẻ lá dứa, nó gãy giòn tan là được rồi, bắt chảo xuống, không thì lát bột sẽ khê" - ngoại dạy.

Bột rang tầm 45 phút sẽ "tới". Sau đó là công đoạn cực nhất mà đứa con nít nào cũng ngán. Đó là ngồi nhặt từng chiếc lá dứa ra khỏi bột. Thật ra, cũng có cách làm nhanh là chỉ việc cho bột vào rây, lược riêng 2 phần lá dứa và bột ra. Nhưng như vậy bột dính vào lá dứa, bỏ đi vừa phí vừa "có tội" nên ngoại kêu bọn tôi chịu khó ngồi nhặt từng cọng lá dứa rồi búng bột cho sạch. Sau đó, ngoại mới rây lại lần nữa để bỏ hết những phần lá dứa nát lẫn với bột.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 3.

Nguyên liệu làm bánh và chiếc khuôn bánh phục linh cả 100 tuổi của ngoại

Bột sau khi thành phẩm thơm nức mùi lá dứa. Ngoại nạo dừa, vắt nước cốt rồi nấu sôi. Bột lúc này được trộn đều với đường cũng đã được xay nhuyễn, cứ 1 kg bột là khoảng 700 g đường. Lúc này, tôi có nhiệm vụ rưới nước cốt dừa vào bột từng chút một, còn ngoại dùng tay vừa trộn vừa miết để bột bánh mịn màng.

Việc thêm nước cốt dừa vào bột cũng phải cho chuẩn. Có khi chỉ cần thêm 1 muỗng canh nhỏ nhưng cũng làm bột bị quá ướt, bánh bị "cứng", khi ăn kém thanh tao. Còn nếu bột khô quá thì bánh sẽ vỡ, không tạo thành khuôn được.

Thường thì ngoại sẽ thử "gõ" bánh trước vài khuôn để thử độ mịn và kết dính. Nếu thấy bánh dễ vỡ, ngoại lại cho thêm chút nước cốt dừa cho đến khi bột bánh thật hoàn hảo.

Cũng cần khoe một chút về chiếc khuôn làm bánh phục linh gia truyền của gia đình tôi. Má kể, ông ngoại đi mua bán ở Lái Thiêu (Bình Dương), thấy khuôn bánh tinh xảo nên mua về cho bà ngoại. Tính đến nay, tuổi đời của nó cũng gần 100 năm.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 4.
CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 5.

Dịp Tết, nhà tôi vẫn giữ truyền thống làm bánh phục linh theo công thức của ngoại

Khi bột đã chuẩn, ngoại giao cho chúng tôi "gõ" bánh phục linh, khâu này thật sự rất vui. Sau mỗi tiếng gõ "cốc" thì 4 chiếc bánh rơi ra, nếu tròn đẹp không sứt mẻ tí nào thì cả bọn reo lên. Cứ 10 lượt gõ, thể nào cũng có 2-3 chiếc bánh bị lỗi. Thay vì cho vào chảo bột để gõ lại thì ngoại chia cho chúng tôi "lủm" để đã cơn thèm.

Bây giờ làm bánh đỡ cực hơn xưa rất nhiều. Thay vì xay bột bằng cối đá nặng trịch, giờ có máy xay sinh tố. Chỉ chừng 15 phút đã xay xong 1 kg bột. Đường nhuyễn ngày nay cũng có bán sẵn, chỉ việc mua về rây qua một lượt là có thể làm được.

Bánh phục linh ngoại làm khi cho vào miệng không cần nhai, chỉ ngậm nhẹ cho bột tan từ từ, nghe cái mịn màng "massage" từ từ từng tế bào lưỡi, nghe vị ngọt, vị béo rất dịu dàng lan tỏa và  mùi lá dứa thoang thoảng phảng phất. 

Ngày nay, bánh phục linh được bán từ chợ đến siêu thị nhưng tôi thấy không có cái bánh nào mang đến cho người ăn cái cảm giác thanh tao như bánh phục linh theo cách ngoại tôi làm.

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 6.

Rộn rã tiếng cười đầu xuân bên những chiếc bánh phục linh

Ngoại đã đi xa hơn 20 năm rồi nhưng truyền thống cứ Tết tới gõ bánh phục linh vẫn được má tôi và các dì gìn giữ. Tết đến, hàng ba trước nhà tôi lại rộn rã tiếng cười hòa cùng tiếng gõ bánh "cốc, cốc". Lúc đó tôi lại nhớ ngoại, nhớ cái lưng còng còng ngồi bên chảo bột, đôi tay nhăn nheo miết từng mớ bột sao cho thật đều, thật mịn...

CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 7.
CUỘC THI VIẾT HƯƠNG VỊ TẾT: Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại - Ảnh 8.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo