Hồi xưa, món xôi gấc được coi là một món xa xỉ mà chúng tôi chỉ được ăn vào những dịp nhà có giỗ chạp hoặc là vào dịp Tết.
Có lẽ vì thế mà lũ trẻ luôn mong chờ Tết đến, để được ăn xôi và rất nhiều món ngon, đặc biệt là được thu gom những hạt gấc đen đen để chơi trò búng hạt.
Trong vườn nhà ông ngoại tôi có một cây gấc cổ thụ, ông trồng từ bao giờ chẳng rõ. Chỉ biết sau khi ông mất thì nó vẫn còn ở đấy, quả chín đỏ đầy giàn vào mỗi dịp cuối năm.
Mẹ đi lấy chồng xa, nhà lại không có điều kiện nên thi thoảng mới cho chúng tôi về thăm quê được. Hồi đó, tôi còn nhỏ chưa nhớ được nhiều nên những kỷ niệm về quê ngoại rất mờ nhạt nhưng nó lại hiện lên thật rõ ràng trong lời kể của mẹ.
Mẹ rất thương ông vì bà ngoại tôi mất sớm từ khi mẹ còn chưa đến tuổi trưởng thành. Ông ngoại cứ ở vậy nuôi cả đàn con bằng rau cỏ vườn nhà và những mùa gấc chín.
Hồi xưa, món xôi gấc được xem là món xa xỉ, chỉ được ăn vào những dịp nhà có giỗ chạp hoặc là vào dịp Tết
Nhiều khi trong câu chuyện, tôi thấy mẹ khóc vì không thể tự tay chăm sóc cho ông mỗi lúc trái gió trở trời hay không thể mang biếu "bát canh cần" vì khoảng cách quá xa xôi. Thế nhưng, nước mắt lại chảy xuôi, mỗi lần mẹ về thăm quê thế nào ông cũng bắt con gái mang về, khi thì con gà, lúc vài mớ rau và nhất là không bao giờ thiếu mấy quả gấc đỏ như son ông vừa hái trên giàn.
Mẹ tôi trồng được một giàn gấc từ những cái hạt lấy trong quả gấc ông ngoại cho. Những dây gấc tươi xanh hình như có làm dịu bớt nỗi nhớ quê, nhớ nhà trong lòng mẹ. Và cũng chính nó làm dịu mát tuổi thơ của chúng tôi trong những trưa nắng không chịu ngủ, ngồi chơi búng hạt dưới giàn.
Gấc thường chín vào dịp cuối thu đầu đông, cũng là mùa uyên ương và xôi gấc là món thường thấy trong tiệc cưới. Các nhà có hỷ sự trong làng hay chọn mua gấc của nhà tôi vì đó là giống gấc nếp cho màu đỏ tươi, cùi dày, dôi thịt. Ngoài hái gấc bán để lấy tiền chi tiêu, mẹ tôi không bao giờ quên chọn mấy quả to và ngon nhất, bôi vôi vào cuống rồi treo lên gác bếp để dành, phòng khi nhà có việc mà gấc trên giàn chưa chín.
Tôi cũng thích ăn xôi gấc và thường hay ngó nghiêng xem mẹ làm như thế nào. Thường cứ tầm hai mươi tháng chạp là mẹ đã giục cha lấy cái chõ xôi ra cọ rửa cho thật sạch sẽ rồi đem hong nắng cho khô ráo. Đó là một dụng cụ bằng đất nung có đục lỗ như tổ ong, tầng dưới là một chiếc nồi sâu có miệng đặt vừa khít với đáy chõ.
Những quả gấc lấy từ gác bếp xuống đã gây cho tôi một sự ngạc nhiên không hề nhỏ. Sau khi mẹ rạch lớp vỏ nhăn nhúm và đen thui bồ hóng là lộ ra lớp thịt quả màu đỏ sậm cùng lũ hạt bóng mượt xếp ngay ngắn. Mẹ lấy thìa xúc tất cả sang một cái chậu sạch, cho chút rượu trắng vào rồi dùng thìa gỗ đánh nhuyễn. Thứ dung dịch sền sệt đó được mẹ trộn đều với gạo và để một lát cho ngấm sau đó trút vào chõ chuẩn bị nổi lửa đồ xôi.
Khi hơi khói bốc lên nghi ngút là lúc mẹ sai mấy đứa con đi đào lấy một ít đất sét, mẹ thì ra vườn ngắt mấy lá lang già giã nát đổ nước rồi trộn vào đất. Thứ hỗn hợp dẻo quánh ấy mẹ đem trét kín chỗ miệng nồi tiếp xúc với đáy chõ. Mẹ nói làm vậy để cho hơi nước không thoát được ra ngoài mà tỏa đều lên gạo khiến cho xôi nhanh chín và rền dẻo hơn.
Khi xôi tỏa mùi thơm lựng, lũ chúng tôi lại xúm xít trước cửa bếp hít hà. Mẹ lấy cái que cời khua nhẹ: "đi ra ngoài chơi, xôi còn để thắp hương cúng ông bà, không được hít...". Mấy đứa trẻ vẫn thập thò ghé khe liếp xem mẹ giở nắp chõ, rắc mấy thìa đường, rưới ít mỡ lợn lên xôi rồi trộn đều, đun thêm chừng vài phút rồi tắt bếp.
Sau khi đơm đầy mấy đĩa xôi để lên bàn thờ cùng với mâm cơm cúng tất niên, mẹ cho lũ trẻ chúng tôi "vét nồi". Xôi dưới đáy thường đọng nước nên bị nát và màu gấc cũng nhạt hơn nhưng đối với chúng tôi nó vẫn thơm ngon vô cùng.
Mấy chị em xúm vào, dùng tay cậy từng nhúm xôi đỏ hồng rồi vê vê thành từng nắm nhỏ xinh và cho vào miệng nhai. Chao ôi là thơm, ngọt bùi và dẻo dính kẽ răng. Thi thoảng vớ được một hạt gấc bị sót là mấy đứa lại reo lên thích thú khi được bóc và chén cái lớp áo béo ngậy của nó. Khi ăn xôi xong môi đứa nào đứa nấy đỏ như tô son, mà không, như bôi hề mới đúng.
Chúng tôi còn một trò khá thú vị với những hạt gấc. Sau khi đập nứt lớp vỏ màu đen cứng, có răng cưa ở ngoài ra là được một cái ruột hạt màu xanh xanh. Xâu mớ hạt đó vào và đốt, ánh lửa sáng lung linh, tiếng dầu gấc nổ lép bép làm vui tai và ấm áp cho rất nhiều những đêm mùa đông thời thơ ấu.
Đã mấy mươi năm trôi qua, vườn gấc của mẹ nay chẳng còn dấu tích. Chỗ trồng gấc ngày trước đã mọc lên một ngôi nhà khang trang cùng với những công trình phụ khép kín. Gian bếp đầy bồ hóng và những quả gấc đen thui treo trên gác như ngày xưa cũng không còn. Mấy chị em tôi mỗi người mỗi nơi mải miết với bao nhiêu bận rộn và nỗi lo cơm áo mà những lần sum họp đông đủ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng dù bận, dù xa xôi cách mấy thì thế nào vào những ngày cuối năm chúng tôi cũng về bên mẹ. Cùng gói và luộc bánh chưng, cùng nhau đồ một nồi xôi nho nhỏ bằng cái chõ inox. Cùng gói nem với mẹ và ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Trong câu chuyện bao giờ mẹ cũng nhắc đến ông ngoại, đến những cây gấc đã nuôi cả mẹ, cả chúng tôi khôn lớn trưởng thành.
Và tôi chợt nhận ra, không phải là vì món xôi gấc hay bất cứ một món ăn nào đó làm nên một cái Tết ấm cúng. Chính những câu chuyện về kỷ niệm tuy không có gì đặc biệt nhưng lại như một thứ keo gắn kết tình thân. Vì lẽ đó, cho dù bận bịu hay thiếu thốn cỡ nào thì chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để được về bên mẹ trong dịp đón năm mới. Mùi vị của sự đoàn viên chính là hương vị Tết.
Bình luận (0)