Dọc sông Trà Khúc có hàng chục bến đò ngang hoạt động với số lượng người qua lại khá đông. Tại bến đò ngã ba sông Tang (xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà), mỗi ngày con đò nhỏ (chở tối đa 5 người) luôn “gánh” số lượng người gấp đôi, gấp ba và hầu hết không mặc áo phao. Tại làng Bung (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) có 3 bến đò ngang, mỗi nơi một con thuyền đã cũ mục nhưng luôn chở số lượng người qua lại quá tải.
Còn tại bến đò thôn Ân Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi), mỗi khi mưa lớn, nước sông Trà Khúc dâng cao, người dân và học sinh qua sông chỉ trông chờ vào bến đò.
“Tôi biết chở người qua lại như thế rất nguy hiểm nhưng không chở thì người dân và học sinh biết đi bằng cách nào? Với lại, ai cũng muốn về nhà nhanh nên khó tránh khỏi chuyện chở quá tải. Đành phải liều thôi” - anh Đình Văn Chẳng, chủ đò bến đò ngã ba sông Tang, phân bua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao, thừa nhận toàn xã có 3 bến đò ngang và nhiều bến đò tự phát của người dân, hầu hết đều không đủ điều kiện hoạt động.
“Mùa mưa bão, chúng tôi thật sự lo lắng. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi đã yêu cầu các bến đò phải trang bị áo phao cho khách, lái đò phải có chứng chỉ hành nghề. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chứ không thể cấm người dân” - ông Sáu nói.
Đại tá Nguyễn Hồng Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết theo Quy định 251 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về quản lý hoạt động đò ngang thì gần 100% bến đò trên địa bàn tỉnh không đủ điều kiện. “Dù vậy, chúng tôi không thể phạt các chủ đò vì đó là phương tiện sống của họ từ bao đời nay. Hơn nữa, nếu cấm họ hoạt động, người dân cũng không biết đi lại bằng cách nào. Vậy nên, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân ý thức hơn trong việc qua lại bằng đò ngang, đặc biệt chủ đò phải tuyệt đối yêu cầu hành khách mặc áo phao đề phòng trường hợp xấu nhất” - đại tá Thanh nói.
Bình luận (0)