Chiều 4-10, Bộ Y tế và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến "Điểm mặt bệnh nguy hiểm mùa thu - đông" với các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Pasteur TP HCM, BV Nhi Đồng 1.
Tay chân miệng: Mối lo hàng đầu
Theo bác sĩ (BS) Phạm Hùng, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên một số tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…, có số ca mắc TCM gia tăng liên tục trong những tuần gần đây, số ca mắc trong tháng 9 cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn, Phó trưởng Khoa Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur, phân tích về chủng EV71 gây ám ảnh: Trong số các virus đường ruột, coxsackievirus A16 (CA16) và EV71 là các tác nhân phổ biến gây bệnh TCM. Nhiễm CA16 thường gây bệnh nhẹ, ít biến chứng thần kinh; nhiễm EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Virus EV71 bao gồm nhiều nhóm gien khác nhau, lưu hành chủ yếu tại các nước châu Á - Thái Bình Dương. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh TCM và gây nên đa số các ca tử vong.
Giao lưu trực tuyến “Điểm mặt bệnh nguy hiểm mùa thu - đông” tại tòa soạn Báo Người Lao ĐộngẢnh: Tấn Thạnh
Sởi, cúm: Bệnh cũ nhưng không thể xem thường
BS Phạm Hùng cho biết trẻ em không được tiêm vắc-xin sởi, tiêm không đủ mũi và khoảng 5%-15% có tiêm nhưng cơ địa không đáp ứng miễn dịch tốt đều có thể mắc bệnh. Với số đối tượng nguy cơ trên, sau một thời gian khoảng 3-4 năm sẽ tích lũy đủ lớn đối tượng cảm nhiễm làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để ngăn sởi, cách hiệu quả nhất chỉ có tiêm vắc-xin.
Ở miền Bắc, người dân đang lo ngại về cúm thường lẫn cúm gia cầm. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, ngay cả với cúm thường hằng năm trên thế giới vẫn có 250.000- 500.000 người diễn biến nặng và tử vong. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau ngực, khó thở, ho ra máu, sốt cao liên tục… hoặc người mắc cúm là người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính… thì nên đi khám để hướng dẫn điều trị đúng cách. Cúm dễ dàng lây từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho khạc.
Với sốt xuất huyết (SXH), tuy hiện nay số ca còn nhiều nhưng dự báo sẽ giảm khi kết thúc mùa mưa.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1, lo ngại tình trạng một số người dân vẫn nghĩ "chăm sóc tại nhà" là… khỏi đi viện, trong khi sởi hay TCM đều thuộc dạng chỉ nghi ngờ là phải đi khám. Việc điều trị tại nhà hay nhập viện sẽ được BS quyết định.
PGS Quang cho rằng với cả 2 bệnh trên, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa và nhận biết sớm. Triệu chứng ban đầu của sởi gồm sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, phát ban ở mặt, lan xuống thân, tay, chân và đều là trường hợp buộc phải đến cơ sở y tế khám ngay. TCM có triệu chứng ban đầu là sốt, đau họng, loét họng; hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông… là các dấu hiệu cần đi khám. Còn khi đã xuất hiện các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt; giật mình, chới với, run chi, loạng choạng; lừ đừ, nôn ói nhiều; thở bất thường; da nổi bông tím; tay chân lạnh; mê man… là tình huống cấp cứu.
Quyết liệt phòng chống dịch bệnh
Chiều 4-10, đoàn làm việc của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc tại Đồng Nai nhằm khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh đồng thời hướng dẫn, phổ biến những biện pháp phòng chống dịch.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca mắc TCM, SXH. Trong đó, hơn 6.100 ca mắc TCM và 150 ca bệnh sởi; hơn 4.000 ca mắc SXH; 2 trường hợp tử vong vì SXH.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng đoàn đánh giá hiện nay đang là mùa của các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhiều loại bệnh có diễn tiến nhanh, phức tạp. Năm nay, bệnh TCM còn có sự xuất hiện của chủng virus EV71, gây các biến chứng nặng và tử vong ở trẻ. Do đó, công tác dự phòng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đề phòng lây lan. Những nơi công cộng như trường học, nhà trẻ, phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Do đặc thù khu vực có nhiều lao động nhập cư, nên việc tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng dịch cũng phải được đẩy mạnh.
Đối với bệnh sởi, đa số những trẻ mắc bệnh là do không tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm vắc-xin ngừa sởi. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cung cấp vắc xin sởi cho Đồng Nai để tiêm miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi. Cục Y tế dự phòng đề nghị Đồng Nai xem xét đối với những trẻ ngoài độ tuổi từ 1-5 (nằm ngoài chương trình tiêm
vắc-xin sởi), UBND nên cân đối ngân sách để mua vắc-xin tiêm chủng cho những đối tượng này. Lãnh đạo Cục cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh năm nay diễn tiến nhanh, phức tạp nên cần phải kiên quyết, mạnh tay thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, nếu không các loại dịch sẽ bùng phát mạnh, như từng xảy ra năm 2012, 2014.
Cùng ngày, đoàn làm việc đã đi khảo sát, nắm tình hình dịch bệnh tại một số điểm nóng và cơ sở y tế tại Đồng Nai.
X.Hoàng
Bình luận (0)