Các quốc gia, công dân mỗi nước cần phải đoàn kết và đồng lòng phòng chống dịch, bên cạnh một số tấm gương tích cực phối hợp trong công tác phòng dịch thì vẫn còn có một số cá nhân (nhiều trường hợp các cá nhân này có nguy cơ cao nhiễm bệnh do trước đó đã từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19) do chưa thấy được tác hại của nguy cơ lây nhiễm chéo nên đã bất hợp tác trong công tác cách ly phòng dịch. Để bảo vệ sức khỏe của chính cá nhân đó và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo do tiếp xúc gần giữa những người trong nước và những người về từ nước ngoài với nhau thì việc chọn các biện pháp cứng rắn là điều tiên quyết.
Theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì nghiêm cấm các hành vi sau: "Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo…".
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến khôn lường thì cách ly y tế là một trong các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, trong trường hợp này tổ chức cách ly y tế đối với "người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly" - khoản 1 điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Tại khoản 4 điều 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 quy định về áp dụng biện pháp cách ly y tế như sau: "Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam tại khoản 3 điều 1 Nghị định này vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch".
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế thuộc quy định tại điều 8 Nghị định 101/2010/NĐ-CP, theo đó, "việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại điều 1 nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại điều 2 Nghị định 101/2010/NĐ-CP".
Một trong các biện pháp ngăn chặn tạm thời là "bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm" bao gồm cả cách ly và các biện pháp cần thiết khác".
Các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp hành chính kèm theo như cấm bay đối với đối tượng khai báo không trung thực khi sử dụng dịch vụ hàng không, phạt tiền đối với các đối tượng có khả năng lây nhiễm bệnh nhưng không tuân thủ việc cách ly mà vẫn đi lại nơi công cộng...
Một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này để khống chế được dịch bệnh trong tầm kiểm soát, thiết nghĩ tại Việt Nam, việc áp dụng là rất cần thiết nhằm bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát...
Bình luận (0)