Báo Người Lao Động ngày 25-1 đăng bài "Cuồng nhiệt nhưng đừng quá lố" của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, bày tỏ quan điểm dù đội tuyển U23 Việt Nam thắng hay thua thì chúng ta cũng nên chừng mực, đừng để những hành xử quá khích làm phiền người xung quanh, hại bản thân và hình ảnh quốc gia. Sau khi báo phát hành, tòa soạn nhận được ý kiến của nhiều độc giả.
Nhiều tranh cãi
Thạc sĩ - luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, cho biết hành vi khỏa thân diễu hành trên phố, nơi công cộng của các cổ động viên Việt Nam đang gây tranh cãi. Có người cho đó là hành vi bình thường, luật không cấm thì được quyền làm; có người lên án là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và cần xử phạt. Phải khẳng định các cổ động viên vì vui mà có những hành vi thái quá như đã nêu hoặc gây mất an ninh trật tự đô thị, đua xe trái phép… là cần lên án.
Ông Thư cũng khẳng định pháp luật một số nước xem hành vi thoát y nơi công cộng là tội phạm và người vi phạm có thể bị phạt tù. Bộ Luật Hình sự năm 1985 và các bộ luật sửa đổi bổ sung bộ luật này đều không quy định hành vi khỏa thân nơi công cộng là tội phạm mà chỉ là vi phạm hành chính thông thường. Nghị định 73/2010/NĐ-CP (ngày 12-7-2010) quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng khi không mặc quần, áo hoặc không mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, nơi làm việc của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, Nghị định 167/2013/NĐ-CP (ngày 28-12-2013) thay thế Nghị định 73/2010/NĐ-CP đã không quy định hành vi "không mặc" gì ở nơi công cộng là vi phạm hành chính và người vi phạm sẽ không bị xử phạt do pháp luật không có quy định.
Dù vậy, hành vi thoát y của các cổ động viên có thể sẽ dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm kéo theo. Chẳng hạn "say rượu, bia gây mất trật tự nơi công cộng", "tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng", có thể bị phạt từ 500.000-1 triệu đồng, hay hành vi "lôi kéo, kích động người khác gây rối trật tự công cộng" có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Bộ Luật Hình sự 2015 đã sửa đổi điều luật về "tội vi phạm các quy định về tham gia lưu thông". Theo đó, chủ thể của tội này là tất cả những người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ. Vậy, nếu thoát y đi trên đường gây tắc đường, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, gây ra tai nạn thì có thể sẽ bị xử lý.
Một nhóm người tràn xuống lòng đường nhảy múa gây ùn tắc sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt NamẢnh: Lê phong
Không phù hợp sẽ tẩy chay
Anh Lê Văn Sơn (ngụ đường N5, KCN Long Hậu, TP HCM) cho biết có nhiều cách để cổ vũ cho đội tuyển. Chẳng hạn sau bữa cơm, mọi người hẹn nhau ra quán cà phê xem đi xem lại các pha ghi bàn và phân tích, "chém gió" về các tình tiết trong trận đấu, các cầu thủ điển trai và tài hoa.
Ông Nguyễn Văn Canh (ngụ nhà số 239, đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) nói việc hàng ngàn người cùng xuống đường mang theo cờ Tổ quốc rồi diễu phố là điều vui mừng. Đặc biệt, nhiều thanh niên đeo lá cờ trên lưng là hình ảnh đáng trân trọng bởi thể hiện sự yêu nước, đoàn kết khi có cùng một niềm vui.
"Nhưng khi hòa mình vào dòng người để cùng mừng thì chú ý đến những người xung quanh để không gây mất trật tự, an toàn giao thông. Những bạn hứa cởi đồ rồi chạy ngoài đường chỉ là số ít, không ai ủng hộ cách làm đó, ngay giới trẻ cũng vậy. Không phù hợp sẽ bị tẩy chay" - ông Canh khẳng định.
Chị Phạm Thị Phương Thanh (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết khi đội tuyển U23 Việt Nam chiến thắng, cả nhà chị cùng nhau ra quán ăn mừng. Lúc 22 giờ, trên đường về nhà, thấy một thanh niên trèo lên trụ điện tại vòng xoay Lý Thái Tổ (quận 3) để nhảy múa. Phía dưới, đông đảo người đậu xe giữa đường, reo hò cổ vũ. Hành động này là vượt quá sự kiểm soát.
Tuần hành nhẹ nhàng tạo hình ảnh đẹp
Lê Minh Phụng, sinh viên năm 3 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ TP HCM, kể rạng sáng hôm sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, một người bạn đi làm ở cửa hàng tiện ích trở về nhà thì bị một nhóm thanh niên va quệt trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) làm ngã xuống đường. "Họ vui mừng đến mức tổ chức đoàn xe đi "bão" và tông người rồi cũng không cần quan tâm. Người bạn này bị trật khớp chân, tay chảy máu. Tôi nghĩ vui mừng bằng cách tuần hành nhẹ nhàng sẽ tạo ra hình ảnh đẹp chứ không phải nẹt pô, chạy xe gầm rú mới là vui" - Lê Minh Phụng nói.
Bình luận (0)