Nghiệp vụ của lực lượng chức năng thật đáng biểu dương nhưng hệ lụy của câu chuyện này sẽ không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang vực dậy ngành du lịch và tìm mọi cách để thu hút du khách quốc tế.
Vụ việc khá đơn giản nhưng thể hiện sự gian xảo, bất chấp của gã tài xế taxi bất lương. Hai cô gái Nga đón taxi và nhờ sạc 2 điện thoại. Khi họ bước ra khỏi xe đổi tiền thì tài xế nhấn ga bỏ chạy. Họ hoảng loạn kêu cứu và đã được giúp đỡ đưa về khách sạn. Hai cô gái cho biết sẽ trở về nước chỉ sau 2 ngày đến Việt Nam.
Dẫu biết rằng vụ việc này là đơn lẻ, không phản ánh được tình trạng an ninh rất ổn định, bảo đảm an toàn cho du khách của Việt Nam trong nhiều năm qua, song nó hẳn đã tác động nặng nề đến tâm lý của 2 cô gái.
Sau 2 năm dịch bệnh, chúng ta vừa trở lại trạng thái bình thường mới và Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về phòng chống dịch. Nhiều tổ chức du lịch đánh giá cao sự thân thiện, an toàn khi đến Việt Nam. Gần đây nhất, đài CNBC hôm 28-4 dẫn báo cáo "Quốc gia bảo đảm về du lịch" năm 2022 của nhà cung cấp bảo hiểm du lịch Berkshire Hathaway Travel Protection công bố cho thấy Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã tăng bậc trong bảng xếp hạng an toàn hằng năm. Nhiều quốc gia đang khuyến khích công dân du lịch Việt Nam và xem đây là điểm đến lý tưởng. Còn chúng ta kỳ vọng ngành du lịch sẽ sớm làm điểm tựa vực dậy nền kinh tế trong thời gian tới, khi các quốc gia bắt đầu vào mùa du lịch hè...
Các nỗ lực được gầy dựng từ 2 năm qua của bao nhiêu cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương để hồi phục và phát triển du lịch có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những kẻ "phá bĩnh", có hành vi bất hảo như tay tài xế nêu trên.
Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của những du khách này để hiểu được tâm trạng của họ và hình dung sự phản ứng khi trở về quê hương. Họ lo sợ, tất nhiên. Nỗi lo sợ này có thể sẽ được chuyển đến cơ quan ngoại giao nước họ và xa hơn là bạn bè, người thân khi trở về nước. Những vấn đề này sẽ nằm trong quan sát và đánh giá của các tổ chức du lịch, các công ty lữ hành…
Đối với du khách quốc tế, tiêu chí đánh giá đầu tiện mà họ tìm hiểu về một vùng đất mới chính là an toàn, kế tiếp mới là dịch vụ và thưởng ngoạn… Đối với công ty lữ hành cũng thế, an toàn cho khách hàng được đặt lên trên hết khi đưa đến một địa điểm mới. Điều này tác động đến uy tín của công ty và liên quan đến hàng loạt vấn đề khác như bảo hiểm, cam kết về uy tín…
Kích hoạt và vận hành một chương trình của du lịch quốc gia cực kỳ vất vả và tốn kém. Nó phải được duy trì và chỉn chu từng khâu một, từ vĩ mô như liên kết hợp tác giữa các quốc gia, trao đổi nghiệp vụ của các công tu lữ hành, chính sách về hàng không… cho đến tỉ mỉ và tinh tế như trau chuốt từng dịch vụ, cách thức rót một ly rượu hay trải một chiếc khăn bàn… Kế hoạch này không thể bị "phá bĩnh" bởi một vài kẻ bất lương như tay taxi nêu trên hay là những chủ quán "chặt chém" du khách như được phản ánh trong kỳ du lịch vừa qua. Họ để sự tham lam lấn át lý trí mà quên rằng không có du khách thì chính nguồn thu của họ cũng kiệt quệ.
Thẳng tay sửa trị những kẻ vi phạm là cách làm tốt nhất để giữ môi trường du lịch an toàn và rộng hơn là cuộc sống yên bình của cả một vùng đất. Những kẻ này cũng không hề ít. Theo thống kê của cơ quan công an, tại Hà Nội, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm từ ngày 30-12-2021 đến 13-1-2022, toàn thành phố phát hiện 201 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 59 vụ, tương đương 41,5 % so với thời gian liền kề trước đó). Còn tại TP HCM, trong quý I/2022, cơ quan chức năng đã ghi nhận 840 vụ phạm tội về trật tự xã hội. Tại một số thành phố lớn, luôn có những nhóm tội phạm chuyên cưỡng đoạt tài sản của du khách.
Triệt tiêu tội phạm, giữ cuộc sống yên bình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với bất cứ quốc gia nào, an toàn luôn là yêu cầu lớn nhất, trước tiên cho tiêu chuẩn của một vùng đất đáng sống. Còn với du khách, sự yên bình chính là một cách hưởng thụ về du lịch.
Bình luận (0)