Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRRC) trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển.
Tàu cá gặp nạn chiếm 70%-80%
Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc Vietnam MRRC, cho biết hiện đơn vị này đang quản lý, khai thác 7 tàu tìm kiếm, cứu nạn, 9 canô cao tốc chuyên dụng và hệ thống cơ sở hậu cần phục vụ tìm kiếm cứu nạn được bố trí tại 4 trung tâm và các khu vực trải dài trên cả nước.
Trong những năm qua, tàu chuyên dụng của Vietnam MRRC đã thực hiện được rất nhiều vụ cứu nạn khác nhau, trong đó vụ cứu nạn xa nhất thực hiện tại khu vực phía Đông đảo Bông Bay - quần đảo Hoàng Sa, cách bờ trên 380 hải lý. Sự nỗ lực của Vietnam MRRC đã góp phần bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con ngư dân, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho thuyền viên và ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển, góp phần đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam MRRC, cho biết mỗi năm trung bình đơn vị nhận được từ 300-400 thông tin về các sự cố trên biển. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, trung tâm đã xử lý 3.212 vụ việc báo nạn; điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường 432 lần; cứu, hỗ trợ trực tiếp 5.450 người bị nạn, trong đó có 215 người nước ngoài; cứu và hỗ trợ 446 tàu, trong đó có 11 tàu nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2022, trung tâm đã nhận được 123 vụ thông tin báo nạn. Trung tâm đã tham gia phối hợp trong 89 vụ và 26 lần phải điều động phương tiện SAR hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Kết quả, đã trực tiếp cứu và hỗ trợ cứu được 327 người (trong đó có 8 người nước ngoài). Trong đó, số lượng tàu cá của ngư dân gặp nạn vẫn chiếm phần lớn (70%-80%), còn lại là tàu hàng.
Theo ông Hùng, hiện các phương tiện chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Vietnam MRRC có tầm hoạt động hạn chế, tàu lớn nhất chỉ dài 41 m, lượng nhiên liệu chứa trên tàu không được nhiều. Cụ thể Vietnam MRRC chỉ có 7 tàu (trong đó 3 tàu SAR 41 có bán kính hoạt động 250 hải lý, 4 tàu SAR 27 với bán kính hoạt động 150 hải lý), mức độ chịu đựng sóng gió nhỏ (SAR 41 dưới cấp 8; SAR 27 dưới cấp 7) và thời gian hoạt động dài ngày trên biển cũng rất hạn chế, tối đa chỉ 2-3 ngày. Bên cạnh đó, việc cứu hộ cứu nạn trên biển còn rất nhiều gian nan bởi vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2, với chiều dài hơn 3.260 km bờ biển, vì thế công tác cứu nạn rất khó khăn. "Lực lượng, nhân lực, phương tiện của trung tâm đang quá mỏng, chưa hiện đại, ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế" - ông Vũ Việt Hùng nói.
Phần lớn tàu cá hiện nay là tàu gỗ, nhỏ, thiếu trang thiết bị hiện đại nên thường gặp nạn trong mùa giông bão.Ảnh: CHÂU TỈNH
Ý thức đi biển rất quan trọng
Vấn đề an toàn lao động nghề biển hiện nay ngày càng đáng lo ngại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Ngư dân đi biển luôn phải đối diện với nhiều mối nguy, trong đó có rủi ro, tai nạn, thiên tai nhưng hiện nay vấn đề an toàn lao động trong lĩnh vực này vẫn chưa được ngư dân quan tâm đúng mức. Các phương tiện đánh bắt chưa đủ điều kiện an toàn vẫn ra khơi.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Khoa Hàng hải - Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, việc tìm kiếm cứu nạn được nhiều quốc gia có biển trên thế giới đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về nhân lực và phương tiện thiết bị, đáp ứng yêu cầu cứu nạn ở những vùng biển xa. Ở nước ta, do nguồn lực hạn chế nên đầu tư cho việc này chưa thỏa đáng, nhiều vụ cứu nạn chưa thể thực hiện kịp thời. "Chúng ta thường không thực hiện được ngay việc cứu hộ, cứu nạn trong những vụ tai nạn ngoài biển lúc thời tiết rất xấu, bởi phương tiện không bảo đảm. Đó là lúc những người gặp nạn cần giúp nhất nhưng chúng ta lại không có đủ nguồn lực" - ông Cường nói.
Lãnh đạo Vietnam MRCC cho rằng những tai nạn, sự cố trong thời gian gần đây thường xảy ra với tàu vỏ gỗ, sức chịu đựng yếu, máy móc kém chất lượng, tàu hỏng kỹ thuật, trôi dạt trên biển, tàu bị thủng vỏ, đâm va với tàu biển. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố bên cạnh do thiên tai, nguyên nhân khách quan, còn có một phần nguyên nhân từ chủ quan của ngư dân như đi biển không trang bị đủ áo phao, không có pháo sáng; nhiều tàu nhỏ không được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm xa mà chỉ thiết bị liên lạc tầm ngắn (liên lạc nội bộ). Vì vậy, khi gặp thời tiết xấu, biển động, sóng lớn hay bị nạn thì việc liên lạc giữa các tàu gặp khó khăn.
Những năm qua, Vietnam MRCC tích cực tuyên truyền, trang bị kỹ năng đi biển cho ngư dân để hạn chế rủi ro nếu gặp nạn trên biển. "Nếu pháo sáng bắn báo hiệu thì ngư dân có thể kịp thời được cứu hộ hoặc duy trì sự sống lâu hơn trên biển. Nhiều khi ngư dân nghĩ trang bị pháo sáng đắt tiền nhưng thực ra nó rất rẻ bởi cả năm hoặc mấy năm, thậm chí không bao giờ dùng đến nếu không gặp nạn" - ông Hùng nói.
Đề xuất sắm tàu cứu hộ chuyên dụng 62 m
Để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn trên biển, Vietnam MRCC đã đề xuất Cục Hàng hải và Bộ GTVT có dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng loại 62 m chịu được gió cấp 9, cấp 10, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu và có khả năng đi biển dài ngày. Dự kiến năm 2023 sẽ đưa tàu này vào hoạt động. Theo yêu cầu của Vietnam MRCC, trong thời gian tới, cần 3 tàu chuyên dụng như trên để trang bị cho 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Ông Trần Quang, ngư dân tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị:
Thời hiện đại rồi, không thể đi biển như thời xưa
Trước việc 2 chiếc thúng trên tàu gặp nạn nhiều ngày lênh đênh trên biển nhưng các tàu qua lại không biết để ứng cứu, tôi nghĩ rằng cần phải trang bị nhiều hơn nữa thiết bị an toàn cho tàu cá để ứng phó trong trường hợp sự cố xảy ra. Ngư dân đi biển nên chuẩn bị những túi cứu hộ khẩn cấp gồm có lương khô, nước uống và súng bắn pháo sáng cho những trường hợp sinh tồn như thế này. Ngoài ra, có thể nghiên cứu trang bị thêm phao cứu sinh, đèn, còi, pháo tín hiệu...
Thời hiện đại rồi, không thể cứ kiểu đi biển như thời xưa được nữa. Hiện đại hóa nghề cá thì phải đầu tư tàu lớn, trang bị cả xuồng cứu nạn với đầy đủ thiết bị cứu sinh hiện đại. Việc này ngoài tầm tay của ngư dân nên cần sự hỗ trợ, đầu tư từ nhà nước.
Lão ngư Nguyễn Thanh Là (có 3 con trai và người em trên con tàu gặp nạn BTh 97478 TS):
Nếu có giông sét, bộ đàm, thiết bị định vị khó hoạt động
Tôi đi biển đã gần 50 năm. Thực tế cho thấy lúc trời giông sét thì các thiết bị hỗ trợ tín hiệu rất khó liên lạc. Khi tàu khai thác vùng khơi thì không còn sóng di động, mọi liên lạc đều qua máy đường dài (sóng vô tuyến - PV). Tuy nhiên, bộ đàm này khi gặp mùa mưa mà có sấm sét lớn là phải tắt. Ngay cả máy định vị khi giông sét cũng không thể mở thường xuyên vì có nguy cơ bị sét đánh trúng. Đây là những thiết bị hữu hiệu nhất mà ngư dân có được hiện nay. Nếu ngưng hoạt động thì phải tự lực cánh sinh. Oái ăm là tàu cá gặp nạn thường là mùa mưa bão - mùa giông sét.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa:
Tàu nhỏ, không thể sắm thuyền cứu nạn
Tàu cá của ngư dân hiện nay chỉ là tàu nhỏ nên không thể trang bị xuồng cứu nạn mà chỉ là thúng chai. Do đó, khi gặp sự cố thường chịu rủi ro rất lớn. Chi cục chỉ khuyến khích ngư dân sắm các thiết bị cầm tay đề phòng sự cố như đèn pin, áo phao, pháo sáng. Rất khó quy định ngư dân phải trang bị xuồng cứu nạn vì tốn kém chi phí, tàu không đủ diện tích.
Điều cần thiết hiện nay là trang bị kiến thức và nâng cao khả năng cơ động ứng cứu của lực lượng cứu nạn hàng hải. Trước biến đổi khí hậu mang tính cực đoan cũng hết sức chú trọng, nâng cao khả năng dự báo thời tiết để kịp thời thông báo cho các tàu cá chuẩn bị phòng ngừa.
Châu Tỉnh - Kỳ Nam ghi
Bình luận (0)